Highlight

Những điều thú vị khi dùng Trí tuệ nhân tạo của Viettel

Những người dùng Internet tại Việt Nam thường lấy “chị Google” ra để… giải trí. Khi “chị” đọc văn bản hay chỉ đường cho người tham gia gi...

Thursday, February 18, 2016

Việc phát triển AI dạy chúng ta điều gì về rào cản trí tuệ con người?

Thông qua việc phát triển trí tuệ nhân tạo, các nhà khoa học có thể biết thêm nhiều điều thú vị về não bộ con người, cũng như cách mà chúng ta đưa ra quyết định. Nếu AI có thể vượt qua những rào cản khả năng sáng tạo của con người, nó sẽ giúp ích rất nhiều cho việc phát triển công nghệ trong tương lai.

Siêu máy tính Watson do IBM phát triển từng rất nổi tiếng với việc đánh bại các nhà cựu vô địch chương trình Jeopardy năm 2011. Hiện tại, siêu máy tính này đang cố gắng đạt đến tầm cao mới của nhận thức – khả năng tư duy sáng tạo. Và trong quá trình phát triển cho Watson, các nhà khoa học cũng biết thêm không ít điều về trí tuệ con người.
Siêu máy tính "đè bẹp" hai nhà cựu vô địch Jeopardy
Steve Abrams – giám đốc dự án IBM Watson – chia sẻ: “Thành tựu lớn nhất của trí tuệ con người chính là khả năng tư duy sáng tạo”. Hiện ông đang cố gắng tái tạo quá trình nhận thức cho máy tính. “Tôi muốn hiểu được con người hoạt động ra sao, thông qua việc giải mã tư duy sáng tạo là như thế nào” – ông cho biết thêm.
Siêu máy tính Watson hiện đang được sử dụng cho rất nhiều dự án thú vị. “Bếp trưởng Watson” – thực hiện cùng Viện giảng dạy nấu ăn – với mục đích tạo ra những kết hợp mới lạ giữa các loại thực phẩm. Hay như dự án phân tích giọng nói, được Watson thực hiện bằng cách tự động phân tích các thông tin ngôn ngữ, qua đó cho biết nội dung và cả ngữ điệu của người sử dụng.
Vào bếp cùng Watson
Và dự án “hệ thống tính toán có nhận thức”, được thực hiện bởi hơn 5.000 nhà phát triển ứng dụng trong năm qua, có thể giúp cho chúng ta hiểu thêm một chút về chính trí tuệ con người. Qua cả năm trời nghiên cứu và phát triển hệ thống nhận thức cho siêu máy tính Watson, các nhà khoa học có thể chỉ ra được một số cách mà não bộ con người thực hiện suy nghĩ trong quá trình tư duy sáng tạo, cũng như khi giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, con người thường hay đụng phải những rào cản trong tư duy có thể cản trở việc suy nghĩ và giải quyết vấn đề một cách sáng tạo. Đại diện của Fast Company đã trao đổi với Abrams để đưa ra những “vật cản tư duy” mà hệ thống Watson cần phải vượt qua.
Hiệu ứng “mập mờ” của não bộ
Con người có xu hướng "thiên vị" cho những gì mình biết rõ
Trong điều kiện thiếu thốn thông tin, chúng ta thường tránh đưa ra những lựa chọn mà mình không hiểu rõ. Những nhà nghiên cứu khoa học hành vi gọi đây là “hiệu ứng mập mờ” – khi việc đưa ra quyết định của con người chịu ảnh hưởng xấu do không có đầy đủ thông tin.
Chẳng hạn như, lựa chọn mà một số nhà đầu tư đưa ra là đầu tư vào những phương án đem lại lợi tức rõ ràng, không quá lớn nhưng rủi ro thấp, hơn là mạo hiểm với cổ phiếu và các quỹ có kết quả khó dự đoán, nhưng đem lại lợi nhuận cao. “Có nhiều người tính đến các ẩn số quá nhiều so với mức cần thiết” – Ông Abrams chia sẻ. Nhận ra được rào cản tư duy và đối diện với nghi ngờ có thể giúp chúng ta đưa ra được quyết định tốt nhất.
Khuynh hướng “Thiên kiến xác nhận” của con người
Một trong những rào cản tư duy khác mà con người dễ mắc phải là “thiên kiến xác nhận” (Confirmation bias).  Đây là khuynh hướng tìm kiếm và ưu tiên những dẫn chứng có lợi cho điều mà ta tin là đúng. Điều này ảnh hưởng đến cách thức chúng ta tiếp cận vấn đề - từ những từ khóa được dùng để tìm kiếm, đến việc những chi tiết có lợi cho quan điểm của cá nhân được chú ý nhiều hơn.
Hai thứ này kết hợp với nhau cũng không đến nỗi nào đâu
Lấy ví dụ đơn giản là khẩu vị của mỗi người. Trong quá trình thực hiện “Bếp trưởng Watson”, siêu máy tính đề xuất ra sự kết hợp giữa táo và dầu ô liu. Ngay lập tức, phản ứng hoài nghi được người đầu bếp cùng thực hiện đưa ra. Táo và dầu ô liu thường không đi với nhau. Nhưng dưới sự gợi ý của siêu máy tính, người đầu bếp kia vượt qua định kiến bản thân và phát hiện ra, hai nguyên liệu trên kết hợp khá “ăn ý” với nhau.
Bạn có chịu hội chứng “Không phải của tôi” hay không?
Thực ra, đây không phải là một hội chứng mà chỉ là một hiện tượng thường xuyên diễn ra. Giải thích một cách đơn giản thì chúng ta thường có xu hướng chỉ trích ý tưởng của người khác, hơn là của bản thân. Con người hay đưa ra những tiêu chuẩn đánh giá cao hơn đối với những ý kiến không phải của mình.
Đối với giới công nghệ, hội chứng này thường là nguyên nhân dẫn đến việc con người nói không với những phần mềm, ứng dụng không phải do công ty của mình làm ra, kể cả khi sản phẩm của mình yếu kém hơn. Mà thực ra hầu như doanh nghiệp hay tổ chức nào cũng gặp phải vấn đề này.
“Những rào cản mà chúng ta thậm chí còn không biết đến đang có ảnh hưởng đến cách mà ta đưa ra quyết định. Chúng tôi đang cố gắng tạo ra một hệ thống có thể giúp con người đưa ra những phương án thú vị để giải quyết vấn đề” – ông Abrams cho biết.
Tham khảo enGadget

No comments:

Post a Comment