Highlight

Những điều thú vị khi dùng Trí tuệ nhân tạo của Viettel

Những người dùng Internet tại Việt Nam thường lấy “chị Google” ra để… giải trí. Khi “chị” đọc văn bản hay chỉ đường cho người tham gia gi...

Thursday, February 18, 2016

Bình minh của Trí tuệ nhân tạo đã đến, loài người hãy coi chừng!

Có những thứ, dù là mơ hồ nhất cũng đang diễn ra ngay trước mắt của chúng ta.

Nhà khoa học tài ba bậc nhất trong lịch sử nhân loại - Stephen Hawking đã từng nói: "Việc phát triển một trí thông minh nhân tạo (Artificial intelligence - AI) hoàn chỉnh đồng nghĩa với việc đánh vần những từ cuối cùng của loài người". Elon Musk - người sáng lập Space X, Tesla Motor và Paypal cũng từng bày tỏ sự lo ngại AI sẽ trở thành mối nguy hiểm lớn nhất đối với loài người hay Bill Gates, người đàn ông giàu có nhất thế giới cũng bày tỏ một điều lo lắng tương tự. Vậy liệu chúng ta đã đến lúc phải lo lắng về AI?
Trớ trêu thay, điều mà các nhân vật V.I.P kia lo ngại lại chính là thứ mà loài người đã, đang và sẽ phát triển sức mạnh của nó lên một tầm cao mới. Sẽ là một sự lừa dối trắng trợn nếu các tập đoàn công nghệ lớn nói họ không quan tâm hay cố tránh xa thứ được gọi là AI này. Sức mạnh của AI có thể giúp ích họ trong rất nhiều việc, từ quản lý cơ sở dữ liệu cho đến phân tích, đánh giá, đưa ra dự đoán. Với khả năng quản lý các siêu máy tính hàng đầu để "giúp việc", AI quá tuyệt vời để con người có thể từ bỏ nó. Nhưng nếu vậy thì phải làm sao với nỗi lo lắng kia?
AI sinh ra để làm gì?
Trước khi nói rông dài về sự nguy hiểm của AI, chúng ta cần phải biết lí do mà chúng ra đời. Máy tính là một trong những phát minh vĩ đại nhất của nhân loại, và sức mạnh của chúng là chìa khóa để chúng ta mở ra những cánh cửa khoa học mới sâu xa hơn, phức tạp hơn. Sự gia tăng về phần cứng cùng các công nghệ chế tạo máy tính đã giúp chúng ta đạt được những thành tựu và tiến bộ vượt bậc, mà AI có thể xem như là chìa khóa để con người sử dụng được tối ưu sức mạnh của những cỗ siêu máy tính.
Về cơ bản, AI được "dạy" theo cách mà các nơ-ron thần kinh của chúng ta phải tiếp nhận và xử lý một lượng lớn dữ hiệu hàng ngày. Bằng cách liên tục nhận diện và ghi nhớ những mệnh lệnh, nội dung, xử lý,... theo yêu cầu của con người, AI cũng được "học" và "thông minh" hơn theo thời gian. Điều này giúp nó có khả năng tự thích nghi với hệ thống cơ sở dữ liệu đồ sộ của các siêu máy tính và dễ dàng đáp ứng các nhu cầu truy xuất dữ liệu của con người, cho dù chúng đôi khi không hoàn toàn giống nhau.
Vậy nên về cơ bản, AI sinh ra là để giúp chúng ta.
Sức mạnh của AI liệu có đủ để chúng ta lo sợ?
Khi nhắc tới AI cùng sức mạnh của nó, nhiều người sẽ tỏ ra lo lắng về một viễn cảnh giống như trong các bộ phim khoa học viễn tưởng khi mà AI sẽ trở thành mối "đại họa" cho con người. Quả thực, việc tranh cãi xung quanh việc tiếp tục nâng cấp "trí tuệ" cho AI cũng như cảnh giác hay thậm chí là tránh xa nó là đề tài chưa bao giờ chấm dứt. Nhưng hãy nhìn vào thực tế, chúng ta ít nhiều sẽ có câu trả lời cho riêng mình.
Với khả năng của mình, AI đang giúp con người làm được những điều mà chúng ta không thể, hoặc khó có thể tự mình làm tốt được. Sự giúp đỡ của một trí thông minh nhân tạo đang giúp cho các bác sĩ có một công cụ tuyệt vời để phát hiện các mầm bệnh nguy hiểm nhất, các thuật toán nhận dạng tiếng nói đang là công cụ hỗ trợ cho các thao tác trên thiết bị thông minh, hay thậm chí là giúp những người mù chữ có cơ hội tiếp xúc với văn hóa,... Dù là trên phương diện nào, rõ ràng một-trí-tuệ-thông-thái là thứ có thể giúp chúng ta rất nhiều trong cuộc sống.
Bản thân AI là do con người tạo ra, vậy nên khác với suy nghĩ của nhiều người, nó trở nên nguy hiểm hay không là do chính chúng ta quyết định. Nói không ngoa thì AI cũng giống như một đứa trẻ vậy: bạn dạy cho nó con đường đúng đắn thì nó sẽ làm người tốt, bạn dạy cho nó điều sai trái thì nó sẽ là mối nguy hại của xã hội. Trước khi AI đủ thông minh để nhận ra điều gì là đúng là sai, chính cách mà chúng ta đang sử dụng AI sẽ quyết định ảnh hưởng của nó đối với xã hội. Đừng cho rằng đây là một lo lắng vẩn vơ, bởi nếu bạn biết khả năng của AI có thể can thiệp sâu vào cuộc sống của bạn, từ đánh giá tâm lý cho đến việc kiểm soát các hoạt động thường ngày (qua các thiết bị điện tử), bạn sẽ biết những lo lắng của Stephen Hawking là hoàn toàn có cơ sở.
Hãy sử dụng AI đúng cách
Hãy hình dung AI giống như một chiếc xe hơi đời mới nhất, đắt giá và đầy sức mạnh, nhưng nó chỉ thể hiện được giá trị của nó khi có một tay lái thực thụ. Cùng một chiếc xe tốt bạn có thể sử dụng làm phương tiện di chuyển tuyệt vời, cũng có thể sử dụng làm công cụ "phá làng phá xóm". Trong khi cái viễn cảnh AI đủ thông minh để đe dọa đến cuộc sống của loài người chỉ mới xuất hiện trên màn ảnh vô tuyến, thì những ứng dụng của nó lại hiển hiện trước mắt. Có quá nhiều thứ mà con người chúng ta không thể tự mình làm được bằng đôi tay của mình, nhưng AI cùng khả năng của nó thì có thể.
Và nếu bạn còn chưa thực sự an tâm, đây là một tin tốt dành cho bạn: các chính phủ cũng như các nhà khoa học đã và vẫn đang kiểm soát được hoàn toàn những gì mà AI làm được. Cũng giống như một xã hội cần được duy trì sự ổn định bằng luật pháp, việc tạo ra và sử dụng các AI đã và đang nằm trong những quy trình quản lý nghiêm ngặt. Nhân loại có đủ trí tuệ để tạo ra chúng, và cũng có đủ trí tuệ để biết được cách để kiểm soát sức mạnh của chúng. Không giống như trong bộ phim nổi tiếng "I, Robot" với sự tham gia của tài tử Will Smith, việc vô hiệu hóa các AI hiện vẫn đang nằm trong tầm tay của các nhà quản lý. Ngày nào AI còn được sử dụng với mục đích hỗ trợ con người, ngày đó chúng ta vẫn còn có thể an tâm về chúng.
Vậy nên, hãy đừng ngạc nhiên nếu một ngày không xa, Trí thông minh nhân tạo sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bạn.
Tham khảo: Economist

No comments:

Post a Comment