Highlight

Những điều thú vị khi dùng Trí tuệ nhân tạo của Viettel

Những người dùng Internet tại Việt Nam thường lấy “chị Google” ra để… giải trí. Khi “chị” đọc văn bản hay chỉ đường cho người tham gia gi...

Thursday, April 7, 2016

Kỹ sư Việt xây dựng trí tuệ nhân tạo tại Google


Sẽ đến ngày trí tuệ nhân tạo giúp giải quyết các vấn đề hóc búa nhất thế giới, nhưng để tới được ngày đó, cần những con người thông minh và Lê Việt Quốc, kỹ sư phần mềm tại Google Brain, là một trong số này.
Lê Việt Quốc, 34 tuổi, lớn lên tại một làng quê nhỏ ở Việt Nam và từng sống trong cảnh không có điện cho tới năm lên chín. Anh học trường chuyên Quốc Học Huế và lấy bằng tiến sĩ khoa học máy tính tại Đại học Stanford (Mỹ). Quốc đã làm việc tại Google Brain 4,5 năm. Được thành lập năm 2011, Brain nằm trong dự án tuyệt mật Google X còn hiện nay, nó thuộc bộ phận nghiên cứu của hãng này.
"Rất ít người thực sự hiểu được vì sao máy móc lại có thể học hỏi và tư duy. Deep Learning (học sâu) vẫn còn là khái niệm rất mới", Quốc trả lời CNN.
Deep Learning là một thuật toán dựa trên một số ý tưởng từ não bộ tới việc tiếp thu nhiều tầng biểu đạt, cả cụ thể lẫn trừu tượng, qua đó làm rõ nghĩa của các loại dữ liệu. Deap Learning có thể giúp giải quyết hàng loạt vấn đề như giáo dục, biến đổi khí hậu... Ví dụ, sử dụng các cảm biến từ xa, dữ liệu môi trường trên thế giới sẽ được theo dõi và ghi lại. Hiện khối lượng dữ liệu đó phần lớn chưa được xử lý và Deep Learning có thể được áp dụng để hiểu các chuỗi và chỉ ra hướng giải quyết.
Ngoài Google, nhiều công ty khác như Facebook, Microsoft hay Baidu cũng tuyên bố sẽ đầu tư vào Deep Learning và các mô hình trí tuệ nhân tạo khác.
Lê Việt Quốc. Ảnh: Biotechin.Asia.
Lê Việt Quốc. Ảnh: Biotechin.Asia.
Chia sẻ với BBC, Quốc nhớ lại giai đoạn công nghệ bắt đầu hiện diện tại quê anh khi cả làng lần đầu có một chiếc TV, hay chiếc nồi cơm điện mà gia đình anh mua được. "Khi ấy, mỗi một món đồ công nghệ xuất hiện cũng làm thay đổi cuộc sống của chúng tôi", anh nói.
Tuy nhiên, bức ảnh về cuộc đổ bộ lên mặt trăng năm 1969 mới là thứ thôi thúc anh trở thành một trong những nhà tiên phong trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo. "Tôi vẫn tự hỏi, chúng ta không phải động vật nhanh nhất trên trái đất, chúng ta không thể bay, nhưng chúng ta vẫn lên được mặt trăng. Vậy năng lực gì ở ta mà các động vật khác không có? Tôi nhận ra đó chính là bộ não - trí thông minh".
Ban đầu anh tưởng rằng các cỗ máy thông minh đã trở nên phổ biến, nhưng rồi anh nhận ra không phải vậy, vì vậy anh quyết định tạo ra nó. "Học sâu" - khiến cho các cỗ máy tự học hỏi dựa trên những thuật toán phức tạp - được đưa ra. Nhưng Quốc muốn đẩy nhanh tiến độ bằng cách xây dựng mạng lưới thần kinh quy mô lớn để có thể xử lý được lượng dữ liệu lớn hơn nhiều.
Năm 2012, Lê Việt Quốc và cộng sự thực hiện một thử nghiệm bằng cách cho mạng lưới nơron xem các video trên YouTube trong vòng một tuần, để xem nó đã học được những gì. Một trong những nơron nhân tạo đã "rất hào hứng" khi thấy ảnh một con mèo dù chưa biết mèo là gì hay được cho xem bất kỳ hình ảnh nào gắn mác mèo trước đó. Điều này cho thấy các cỗ máy có thể học mà không đòi hỏi con người cung cấp dữ liệu có độ chính xác cao.
Kết quả của những thử nghiệm này và nhiều thử nghiệm khác đã được tích hợp vào các dịch vụ của Google, cung cấp khả năng dự đoán nội dung mà người dùng định trả lời khi viết e-mail, nhận diện địa điểm, người trong ảnh và nhận diện giọng nói.
"Tôi mong muốn tạo ra được một cỗ máy có thể nhìn, nghe và hiểu được chúng ta," Quốc nói, nhưng cũng thừa nhận rằng điều đó còn lâu nữa mới xảy ra. Từ năm 2014, Lê Việt Quốc đã có tên trong danh sách 35 nhà sáng chế dưới 35 tuổi năm của Học viện Công nghệ Massachuset Mỹ và được đánh giá là một trong những bộ óc xuất chúng.
Minh Minh

Chàng trai Việt khiến "ông lớn" Google “nhọc công” 3 lần mời làm

Một câu chuyện khó tin mà thật được các SV Việt tại Mỹ “rỉ tai nhau”: Một DHS Việt Nam tại đây khiến Google phải “nhọc công” ba lần ngỏ lời mời mới có được chữ ký của anh. Anh chàng đó là Phạm Hy Hiếu, người sở hữu bảng thành tích dài đến mức những giải thưởng từ cấp thành phố trở xuống… không nhớ xuể.
 >> "Nhân tài đất Việt" 9X giành suất thực tập tại “gã khổng lồ” Google

Thành tích cá nhân của Phạm Hy Hiếu
- Học bổng toàn phần Đại học và Thạc sĩ của Đại học Stanford
- Tốt nghiệp Đại học Stanford với bằng danh dự
- Giải thưởng Luận văn Khoa học máy tính Xuất sắc nhất Khoá 2015 của ĐH Stanford
- Học bổng toàn phần Tiến sĩ của Đại học Carnegie Mellon (CMU)
- Được Apple, Facebook, Microsoft, và Google mời làm việc
- Tham gia nghiên cứu công nghệ deep learning tại Baidu
- Đại diện Stanford tại kỳ thi lập trình quốc tế ACM ICPC (2014)
- Huy chương bạc kỳ thi lập trình khu vực Tây Bắc Mỹ - Thái Bình Dương (2012, 2013, 2014)
- Huy chương bạc Olympic Toán học Quốc tế (2009)
- Huy chương vàng Toán học Olympic 30/4 (2008)
- Huy chương vàng cá nhân và đồng đội Olympic Toán Tiểu học Quốc tế (2004)
- Ba lần nhận giải thưởng Toán học Nguyễn Đình Chung Song cho học sinh xuất sắc nhất TPHCM về Toán (2003, 2004, 2009)
Chàng DHS Việt “thờ ơ” với lời mời của …Apple, Facebook, Microsoft
Có thể sử dụng tiếng Anh, Pháp, Đức và một chút tiếng Trung Quốc, chàng trai Phạm Hy Hiếu gây ấn tượng với người đối diện bởi sự thông minh và cá tính vô cùng mạnh mẽ.
Anh từng không ngần ngại chỉ trích Google chỉ bởi “gã khổng lồ” công nghệ ở thung lũng Silicon tỏ ra thiếu tôn trọng đối với các ứng viên của họ.
Anh cũng không ngại nói “không” với Apple, Facebook, Microsoft cùng mức lương cả trăm nghìn USD mỗi năm. Anh làm tất cả vì đam mê được cống hiến bản thân mình. Hiện tại, anh tập trung giải quyết một trong những thử thách lớn nhất trong trí tuệ nhân tạo: làm cho máy tính “hiểu” được ngôn ngữ của con người và “giao tiếp” được với chúng ta.
Khi được hỏi về ước mơ của mình, Hiếu nói: “Ngôn ngữ là một điều kỳ diệu. Nó cho phép chúng ta biểu đạt những tư duy phức tạp bên trong não bộ của mình một cách phổ quát, ai ai cũng hiểu được.
Hiện nay, chúng ta đang tiến đến gần hơn với những chiếc máy tính cũng có khả năng này. Siri của Apple, Google Now của Google, rồi Cortana của Microsoft là những trợ lý ảo có thể tương tác với người dùng bằng ngôn ngữ tự nhiên.
Tuy vậy, các trí tuệ nhân tạo này hiện chỉ làm được những điều cơ bản như tìm một nhà hàng ăn tối hoặc một bộ phim hay. Nhưng hãy nghĩ đến một chú mèo máy Doraemon, có thể xây dựng một tình bạn đẹp đẽ cùng cậu bé Nobita. Ước mơ của tôi là tạo ra những trí tuệ nhân tạo thông minh như vậy. Muốn vậy, thách thức đầu tiên là phải làm cho máy tính hiểu được ngôn ngữ của chúng ta”.
Với không ít người khác, dường như đó là khoa học viễn tưởng nhưng Hiếu, đó là một điều kỳ diệu, một mục tiêu mà anh cùng các đồng nghiệp đang nỗ lực thực hiện.

Phạm Hy Hiếu tại kỳ thi Lập trình Quốc tế dành cho sinh viên ACM ICPC 2014
Phạm Hy Hiếu tại kỳ thi Lập trình Quốc tế dành cho sinh viên ACM ICPC 2014
Sau khi giành huy chương Bạc tại Olympic Toán học Quốc tế năm 2009, Hiếu tiếp tục giành học bổng toàn phần tại Đại học Stanford. Với nhiều người, đây là một giấc mơ, nhưng với Hiếu, học bổng của Stanford là thứ mà anh “không muốn có nhất”.
Hiếu chia sẻ rằng cá tính mạnh của anh không phù hợp với Stanford. Trong khi Hiếu chỉ muốn học một chuyên ngành thật chuyên sâu và trở thành một trong những người giỏi nhất ở lĩnh vực của mình thì chính sách giáo dục của đại học Stanford là đào tạo sinh viên giỏi toàn diện. Điều đó đã làm Hiếu mất định hướng suốt 2 năm đầu ở bậc Đại học. Anh không lên lớp, bỏ các bài tập, khiến kết quả học tập ngày một đi xuống.
Hiếu chỉ cảm thấy vui khi giải các bài toán lập trình. Chính niềm đam mê nhỏ nhoi này đã giúp cho anh trụ lại qua những năm tháng khó khăn nói trên, để rồi dần tìm được chính mình. Bằng đam mê đó, Hiếu đã đưa Stanford đến với cuộc thi Lập trình Quốc tế dành cho sinh viên (ACM ICPC).
Tuy nhiên, việc trở thành người Việt Nam đầu tiên bước ra đấu trường quốc tế ở hai lĩnh vực khác nhau (Toán và Tin học) trong màu cờ sắc áo của hai đất nước khác nhau, khiến Hiếu vô cùng căng thẳng trong ngày thi, và chỉ giành được bằng khen chứ không có huy chương.
Chính trong nỗi buồn đó, Hiếu đã tìm ra niềm đam mê mà sau đó đã thay đổi cuộc sống của anh. Từng tham gia nhiều kỳ thi, Hiếu dần cảm thấy các vấn đề đặt ra trong những cuộc thi tuy rất khó nhưng vẫn chỉ là các câu đố đã có lời giải.
Hiếu chia sẻ: “Giải được những câu đố đó, bạn cảm thấy vui. Nhưng thật ra, bạn chỉ làm cho bản thân mình vui chứ chưa đóng góp được gì cho nhân loại. Muốn cống hiến, bạn phải làm những điều chưa ai làm được”. Và điều chưa ai làm được mà Hiếu muốn làm chính là tạo ra trí thông minh nhân tạo.

Hiếu (phải) tại buổi lễ nhận giải thưởng Luận văn Khoa học máy tính xuất sắc nhất Khoá 2015 của ĐH Stanford
Hiếu (phải) tại buổi lễ nhận giải thưởng Luận văn Khoa học máy tính xuất sắc nhất Khoá 2015 của ĐH Stanford
Những nghiên cứu “bắt” máy tính tư duy trừu tượng
Trở về sau kỳ thi, Hiếu bắt đầu tham gia các nghiên cứu nhằm giúp máy tính hiểu được ngôn ngữ của con người. Hiếu đặc biệt thích thú với các thuật toán học sâu (tiếng Anh: deep learning). Công nghệ này sử dụng mạng nơ-rôn nhân tạo được lập trình để mô phỏng các hoạt động của hệ thần kinh con người, qua đó giúp cho máy tính có thể thực hiện những tư duy trừu tượng.
Sau một năm nghiên cứu, Hiếu cùng đồng nghiệp công bố 3 bài báo khoa học tại hai hội nghị hàng đầu của Trí tuệ nhân tạo. Hai bài báo đầu tiên đề cập đến việc khám phá ra công nghệ giúp cho một trí tuệ nhân tạo nếu đã hiểu tiếng Anh thì cũng sẽ hiểu được tiếng Đức; còn trong bài báo thứ ba là việc công bố một thuật toán dịch từ tiếng Anh ra tiếng Đức tốt hơn tất cả các thuật toán trước đó.
Hiếu cho biết: “Đối với máy tính, tiếng Anh là một ngôn ngữ dễ học, bởi có rất nhiều người nói tiếng Anh, qua đó tạo ra các dữ liệu để máy học. Tiếng Pháp tương đối giống tiếng Anh nên việc học vẫn chưa quá khó, trong khi đó tiếng Đức và tiếng Anh có rất nhiều khác biệt nên việc chuyển những hiểu biết của máy tính từ tiếng Anh sang tiếng Đức là rất khó. Khi các nghiên cứu này phát triển hơn, chúng ta thậm chí có thể giúp máy tính hiểu được tiếng Việt”.
Các nghiên cứu này giúp Hiếu giành giải thưởng Luận văn Khoa học máy tính Xuất sắc nhất Khoá 2015 của đại học Stanford và tốt nghiệp với tấm bằng danh dự.
Sau khi tốt nghiệp, Hiếu nhận được lời mời làm việc cả Apple, Facebook, Microsoft, và Google. Các công ty này đều đưa ra mức lương “sáu con số”, đặc biệt Apple còn cho phép Hiếu được mua các sản phẩm của công ty với giá 25% ưu đãi suốt đời, nhưng Hiếu đã lần lượt từ chối tất cả.
Nguyên nhân anh từ chối các công ty này cũng bắt đầu từ ước mơ và đam mê. Hiếu cho biết: “Apple nghiên cứu nhiều công nghệ tiên tiến giúp máy tính hiểu được ngôn ngữ của con người, tuy nhiên các nhân viên của họ đều phải ký một giao ước rằng không bao giờ được công bố các phát minh của mình bên ngoài công ty. Vì thế, nếu mình làm cho Apple, các nghiên cứu của mình sẽ chỉ được dùng để phục vụ cho lợi ích kinh tế của họ.
Mặc dù sản xuất ra những chiếc iPhone thông minh hơn cũng rất có ích cho nhân loại, nhưng mình muốn nhiều hơn thế. Mình muốn những nghiên cứu của mình đến được với cả thế giới, muốn mọi người có thể trực tiếp sử dụng và phát triển các nghiên cứu đó xa hơn, rộng hơn”. Anh cũng nhìn thấy điều tương tự ở Facebook và Microsoft nên từ chối họ.

Phạm Hy Hiếu tại Google Mỹ
Phạm Hy Hiếu tại Google Mỹ
Riêng với Google thì Hiếu còn có một câu chuyện dài. Từ năm 3 đại học, Hiếu được Google mời thực tập lần đầu tiên, anh từ chối. Sau khi Hiếu tốt nghiệp, Google lại ngỏ lời mời anh làm chính thức, anh vẫn từ chối.
Hiếu cho biết, anh bức xúc vì “gã khổng lồ” công nghệ đối xử thiếu tôn trọng với các ứng viên của họ. Sự thiếu tôn trọng đó, theo Hiếu, được thể hiện trong các câu hỏi phỏng vấn thiếu đầu tư trau chuốt, cũng như trong những chính sách khiến cho nhiều ứng viên giỏi bị loại mà không rõ lý do.
Mỗi lần từ chối Google, Hiếu lại gửi một tâm thư cho công ty, chỉ ra các điểm anh cho là vô lý trong chính sách tuyển dụng của họ. Đến tháng 3/2016 vừa qua, Google lần thứ 3 ngỏ lời mời Hiếu vào làm tại Google Brain – nhóm nghiên cứu chuyên phát triển các thuật toán Trí tuệ nhân tạo trên dữ liệu lớn.
Khi được người tuyển dụng báo tin, điều đầu tiên anh hỏi Google không phải là tiền lương hay công việc mà là “Hiện giờ Google tuyển thực tập sinh như thế nào?” Sau khi biết Google đã thay đổi chính sách, bỏ đi những điều mà Hiếu cho rằng vô lý, anh đã nhận lời công ty.
Hiếu cho biết sẽ không dừng bước tại Google quá lâu, bởi ước mơ của anh vẫn còn đó. Anh muốn tìm một nơi mình có thể cống hiến nhiều hơn cho nhân loại. Vì thế, sau 1 năm làm việc ở Google, Hiếu sẽ bước vào chương trình Tiến sĩ của ĐH Carnegie Mellon (CMU) với học bổng toàn phần.
Đây là một trong 4 học viện Khoa học máy tính hàng đầu của Mỹ cũng như thế giới cùng với ĐH Stanford, ĐH UC Berkeley và Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT).
Hy vọng những dự định và mục tiêu cao đẹp của một chàng trai Việt sẽ sớm thành hiện thực trong tương lai.

Dân trí 

Tuesday, April 5, 2016

Cuộc chiến tỷ đô giữa Thung lũng Silicon và các trường đại học



Các trường đại học đang phải khốn đốn với việc giữ chân những chuyên gia trí tuệ nhân tạo (AI) của mình trước sự lôi kéo của Thung lũng Silicon.
 
Chiến thắng của phần mềm máy tính AlphaGo trước nhà vô địch cờ vây thế giới Lee Se-dol đã cho thấy con người có nguy cơ bị máy móc vượt mặt về khả năng trí tuệ. Tuy nhiên, một cuộc chiến cam go không kém cũng đang diễn sau hậu trường khi các công ty tìm cách chiêu mộ những chuyên gia AI sáng giá nhất. Các gã khổng lồ công nghệ như Google, Facebook, Microsoft và Baidu đang chạy đua để phát triển các trung tâm AI của mình. Công ty dữ liệu Quid cho biết trong năm ngoái, các đại gia này đã chi 8,5 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu, thâu tóm và tuyển dụng trong lĩnh vực AI. Con số này lớn gấp bốn lần thời điểm năm 2010.
 
Trong quá khứ, các trường đại học thường là nơi tuyển được những chuyên gia AI giỏi nhất. Giờ đây, các công ty công nghệ đang công phá các khoa robot và máy học để cướp lấy những giảng viên và sinh viên ưu tú nhất, mời chào họ với mức lương hậu hĩnh chẳng kém các vận động viên chuyên nghiệp là bao.
 
 
Năm ngoái, Uber đã tuyển dụng 40 trong số 140 nhân viên của Trung tâm kỹ thuật robot quốc gia trực thuộc đại học Carnegie Mellon, và thành lập một bộ phận chế tạo xe tự lái mới. Điều này đã làm đại học Carnegie Mellon ngỡ ngàng vì trước đó Uber đã cam kết cấp tiền nghiên cứu và không lôi kéo nhân viên của trường. Các công ty khác cũng đang tìm kiếm tài năng một cách thầm lặng nhưng không kém phần quyết liệt. Động thái này của các công ty công nghệ làm giới học thuật không khỏi bàng hoàng. “Tôi không thể thuyết phục các sinh viên của mình ở lại trường”, Pedro Domingos, giáo sư chuyên ngành máy học ở đại học Washington nói. Bản thân ông cũng đang bị nhiều công ty công nghệ chèo kéo. “Các công ty đang tìm cách chiêu mộ sinh viên của tôi ngay cả khi chúng chưa tốt nghiệp”, ông than thở.
 
Các chuyên gia máy học là những người bị săn lùng gắt gao nhất. Các công ty công nghệ sử dụng tài năng của họ cho nhiều mục đích, từ các công việc đơn giản như lọc spam và gợi ý quảng cáo cho đến các lĩnh vực cao siêu như xe tự lại hoặc quét hình ảnh để chẩn đoán bệnh. Nếu các công ty muốn phát triển công nghệ trợ lý ảo hoặc tìm kiếm bằng hình ảnh, họ phải dựa vào các tiến bộ trong lĩnh vực máy học.
 
Sự quan tâm của các công ty công nghệ đã biến một sự kiện mang tính học thuật thuần túy như Hội nghị về hệ thống xử lý thông tin thần kinh thành trung tâm môi giới việc làm trong lĩnh vực AI. Những người tham gia hội nghị này không chỉ đến để học hỏi kiến thức mà còn để lọt vào mắt xanh của các đại gia công nghệ. Số người tham gia hội nghị đã tăng gấp 3 kể từ năm 2010, lên 3.800 người trong năm ngoái.
 
 
Không phải lúc nào các công ty công nghệ cũng chú ý và đầu tư nhiều cho lĩnh vực AI. Lĩnh vực này đã bị bỏ bê trong thập niên 1980 và 1990 khi các thành quả về AI không đạt được như kỳ vọng. Cơn sốt máy học hiện tại chỉ bùng nổ khi Google bắt đầu có những động thái tập trung phát triển AI. Trong năm 2014, Google đã mua DeepMind, start-up đứng đằng sau chiến thắng vang dội của máy tính trước nhà vô địch cờ vây thế giới Lee Se-dol. Cái giá của thương vụ này được cho là vào khoảng 600 triệu USD. Cũng trong khoảng thời gian này, Facebook đã thành lập một phòng thí nghiệm chuyên về AI và tuyển một giáo sư của đại học New York để điều hành việc nghiên cứu.
 
Các công ty đem lại cho nhà nghiên cứu cơ hội đưa sản phẩm của mình ra thị trường một cách nhanh chóng, điều mà họ rất thích. Làm việc cho các doanh nghiệp cũng giải phóng cho các nhà nghiên cứu khỏi nỗi lo thường trực về vấn đề kinh phí. Andrew Ng, trưởng bộ phận nghiên cứu AI của gã khổng lồ Internet Baidu, người từng làm giảng viên toàn thời gian ở đại học Stanford cho biết, các công ty công nghệ đem lại hai điều đặc biệt hấp dẫn: nền tảng máy tính mạnh và cơ sở dữ liệu lớn. Đây là hai yếu tố quan trọng trong nghiên cứu máy học.
 
Sự nhiệt tình của các công ty nghe có vẻ tốt cho tất cả nhưng lại có thể gây ra những hệ lụy tiêu cực. Các trường đại học, vốn không thể đưa ra mức lương cạnh tranh bằng doanh nghiệp, sẽ bị tổn hại nếu các tài năng sáng giá dứt áo ra đi hoặc xao lãng việc giảng dạy do cộng tác với các công ty công nghệ. Các quốc gia cũng sẽ theo đó mà bị ảnh hưởng. Hầu hết các công ty công nghệ lớn có trụ sở ở Mỹ. Những nước như Canada, nơi có lĩnh vực AI rất phát triển có thể bị thất thoát chất xám nếu các tài năng của họ chạy sang quốc gia láng giềng.
 
Một nguy cơ khác là việc các chuyên gia AI chỉ tập trung ở một số ít các công ty. Các công ty công nghệ thường hứa hẹn công khai các nghiên cứu của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, họ sẽ không đời nào chia sẻ những nghiên cứu có khả năng đem lại nhiều lợi nhuận. Nhiều người lo ngại rằng Google, công ty đi đầu trong lĩnh vực này, có thể tạo dựng thế độc quyền trí tuệ. Các chuyên gia so sánh động thái săn lùng tài năng trong lĩnh vực AI của Google giống như việc chính phủ Mỹ tập trung các nhà khoa học trong dự án chế tạo bom nguyên tử Manhattan.
 
 
Mối đe dọa của việc một công ty duy nhất có quá nhiều ảnh hưởng trong lĩnh vực AI đã khiến một số ông trùm công nghệ như Elon Musk của Tesla cam kết dành 1 tỷ USD cho dự án phii lợi nhuận OpenAI. Dự án này cam kết công khai các nghiên cứu mình và đóng vai trò làm cầu nối giữa hoạt động nghiên cứu của các trường đại học với việc ứng dụng trong doanh nghiệp.
 
Vẫn còn nhiều tranh cãi về việc các công ty công nghệ có khả năng thúc đẩy tiến bộ trong lĩnh vực AI tốt hơn các trường đại học hay không. Andrew Moore, trưởng khoa khoa học máy tính của đại học Carnegie Mellon lo ngại rằng các trường đại học sẽ thiếu giảng viên để truyền thụ kiến thức cho sinh viên, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung nhà nghiên cứu trong tương lai. Ngoài ra, khi ngày càng ít người làm công tác nghiên cứu thuần túy, chia sẻ ý tướng công khai hoặc tiến hành các dự án trong thời gian dài, các đột phá trong lĩnh vực AI sẽ khó có thể đạt được.
 
Tuy nhiên, nguy cơ trên chưa chắc đã thành hiện thực. Cơn sốt đầu tư của các đại gia công nghệ vào AI sẽ khuyến khích nhiều sinh viên mới theo đuổi lĩnh vực này. Và các công ty công nghệ có thể giúp phát triển thêm nhiều tài năng bằng cách cấp học bổng hoặc kinh phí nghiên cứu cho các trường đại học. Các công ty công nghệ có đủ tiền và động lực để làm điều này. Ở Thung lũng Silicon, tài năng chứ không phải tiền mới là thứ quý giá nhất.
 
Tham khảo: economist

Công nghệ “máy học” đang tạo ra một cuộc cách mạng giống như Internet và máy tính cá nhân


Chúng ta đang chứng kiến một thời khắc lịch sử trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).

Đã từng có suy nghĩ rằng máy tính chỉ có thể làm các nhiệm vụ được giao phó nếu được lập trình sẵn. Giờ đây, mọi chuyện đã thay đổi khi máy tính có thể tự học thông qua kinh nghiệm mà không cần lập trình sẵn.

Công nghệ đột phá này được gọi là “máy học”. Máy học có thể đem lại nhiều ứng dụng như cách gợi ý phim của Netflix, gợi ý sản phẩm của Amazon, khả năng nhận diện khuôn mặt người dùng của Facebook và khả năng lựa chọn đối tượng phù hợp của các phần mềm hẹn hò. Trong đó, xe tự lái của Google là ứng dụng điển hình nhất.



“Một chiếc xe tự lái không lái theo cách chúng được lập trình”, Pedro Domingos, nhà khoa học máy tính của đại học Washington nói. Ông là tác giả cuốn sách: ”Thuật toán bậc thầy: Công nghệ máy học sẽ thay đổi thế giới của chúng ta như thế nào”.

“Không ai biết cách lập trình cho ô tô để nó tự lái”, ông nói. “Chúng ta biết cách lái xe nhưng chúng ta lại không giải thích được tại sao mình biết lái. Xe của Google tự học bằng cách lái hàng triệu dặm đường và quan sát cách con người lái”.

Đó chính là chìa khóa: công nghệ máy học cho phép các thuật toán học hỏi từ kinh nghiệm và làm những thứ mà chúng ta không biết cách dạy cho chúng như thế nào.



Công nghệ máy học đã tạo được tiếng vang lớn trong tháng 3 vừa qua khi Google làm nên lịch sử cho AI bằng cách tạo ra một thuật toán chinh phục được môn cờ vây. Trò chơi này bắt nguồn từ Trung Quốc thời xưa và số nước đi có thể xảy ra trên bàn cờ vây còn nhiều hơn số nguyên tử trong vũ trụ. Chương trình AlphaGo của Google đã đánh bại Lee Sedol, người được cho là kỳ thủ cờ vây còn sống giỏi nhất của nhân loại.

Nhưng Google không hề lập trình nên một thuật toán chơi cờ vây theo cách đánh định sẵn. Điều Google thực sự làm là tạo ra một thuật toán có thể tự học hỏi và đúc rút những nước đi tốt nhất sau mỗi ván đấu.

Đối với Domingos, công nghệ máy học là một bước đột phá có tầm vóc như máy tính cá nhân, Internet hoặc điện.

“Có hai giai đoạn trong kỷ nguyên thông tin”, Domingos nói. “Giai đoạn một là con người lập trình cho máy tính và giai đoạn hai, mà đang bắt đầu xảy ra, là máy tính có thể tự lập trình cho chính mình nhờ dữ liệu được cung cấp”.

Có lẽ đó là lý do tại sao Eric Schmidt của Google nói rằng mọi start-up lớn trong 5 năm tới sẽ đều có một điểm chung: công nghệ máy học.

Nguồn: genk.vn

Bạn có muốn một cô nàng trợ lý ảo khi dùng Skype?


(Techz.vn) Theo tiết lộ mới nhất của Microsoft, người dùng Skype cũng sẽ có một cô nàng trợ lý ảo Cortana. Trợ lý ảo này sẽ giúp giải đáp các thắc mắc và tư vấn cho người sử dụng.
Tại sự kiện Microsoft Build 2016, bên cạnh việc công bố thông tin về bản cập nhật Windows 10 Redstone, Microsoft cũng chia sẻ về việc sẽ giúp người dùng Skype có sự trợ giúp của một cô nàng trợ lý ảo. Cortana sẽ có mặt trên Skype và đưa ra sự giúp đỡ khi người dùng chat với Cortana hoặc bật tính năng trò chuyện.
Để có thể làm được điều này, Microsoft đã cần dùng đến sự giúp đỡ của các chatbot, một dạng trí tuệ nhân tạo với khả năng tự học hỏi. Theo chia sẻ của Lilian Rincon, người quản lý chương trình Skype, các công cụ của Microsoft sẽ tiến hành bóc tách cuộc hội thoại bằng một bot của bên thứ 3.
Tuỳ vào nội dung của cuộc hội thoại mà ứng dụng này sẽ dự đoán được đâu là công ty hay dịch vụ mà bạn cần đến sự trợ giúp. Sau đó, nó sẽ đem đến một con bot của bên thứ 3 để trao đổi và giúp người sử dụng gỡ rối vấn đề. Khi vấn đề được giải quyết, bot đó sẽ lại được đưa trở ra ngoài.
Bạn có muốn một cô nàng trợ lý ảo khi dùng Skype?
Đây được đánh giá là một ý tưởng khôn ngoan của Microsoft khi mà với tính năng này, nó sẽ thúc đẩy sự phát triển của các bên thứ 3 tạo ứng dụng bot. Các bot này sẽ trở thành một loại hình dịch vụ mới và gã khổng lồ phần mềm Microsoft sẽ được hưởng lợi từ điều này.
Theo chia sẻ từ phía Microsoft, các bot này sẽ ngay lập tức có mặt trên sản phẩm của họ ngay từ hôm nay.

7 thông báo quan trọng nhất của Microsoft ở hội nghị Build


HÀng năm, Microsoft đều tổ chức một sự kiện cho các nhà phát triển ứng dụng, được gọi là “Build.”
55700ae6e41891.img

ảnh minh họa
Hội nghị Build 2016 diễn ra ngày 30/3 đến 1/4 vừa qua ở San Francisco (Mỹ). Tại hội nghị này, Microsoft đã đưa ra 7 thông báo lớn, quan trọng nhất.
Công bố dự án xây dựng nền tảng Bot

Tại Build, Microsoft đã công bố một ý tưởng lớn tạo ra một nền tảng hội thoại tiếp theo cho máy tính. Trung tâm của dự án này là những hệ thống chương trình thông minh. Chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) thông minh này sẽ phản hồi lại những từ của người dùng và cung cấp cho người dùng các trợ giúp.
Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella lưu ý rằng Microsoft thừa nhận đã phạm sai lầm khi tung ra Tay, một mạng xã hội tán gẫu tự động tịch hợp trợ lý ảo Cortana vào Skype nhưng đã nhanh chóng bị một số người dùng lợi dụng biến nó thành một công cụ phân biệt chủng tộc. Do đó, tại Buil năm nay, Microsoft muốn sửa sai bằng cách tạo ra một nền tảng mới, vẫn là sự kết hợp giữa Skype và Cortana nhưng sẽ tốt và an toàn hơn.
“Chúng tôi muốn xây dựng công nghệ để nó có những điều tốt nhất của con người, chứ không phải là thứ xấu xa,” ông Nadella nói.
Ông Nadella cho biết trong tương lai, ngôn ngữ của con người sẽ trở thành một lớp UI (giao diện người dùng), các chương trình thông minh sẽ trở thành những ứng dụng mới, và các trợ lý kỹ thuật số sẽ trở thành các “ứng dụng meta” mới. Trí tuệ nhân tạo sẽ được đưa vào tất cả các ứng dụng này.
Cortana là một ví dụ tốt nhất của một chương trình thông minh tự động mà Microsoft đang phát triển. Và Microsoft muốn đưa Cortana tích hợp vào bên trong các dịch vụ phổ biến của hãng như Skype. Hiện nay, Cortana đã được tích hợp bên trong Skype nhưng tới đây với nền tảng hội thoại Bot mới, các chương trình thông minh tự động từ bên thứ ba có thể “chat” với Cortana, “người” trung gian cho các cuộc đàm thoại cho người dùng bên trong Skype.
Cuối buổi thuyết trình, ông Nadella đã giới thiệu về nền tảng Bot framework cho các nhà phát triển. Nền tảng này cho phép các nhà phát triển ứng dụng tạo ra các chương trình hội thoại thông minh tự động, tương tự như Cortana, dựa trên các công cụ lập trình của Microsoft. Với  Bot framework, Microsoft sẽ cung cấp cho các nhà phát triển ứng dụng 22 giao diện lập trình (API).
Cortana trở nên thông minh hơn
Trợ lý ảo Cortana sẽ “cập bến” Xbox như là một trợ lý cá nhân cho người dùng, giúp tìm kiếm các tựa game mới và chia sẻ các mẹo chơi game.
Bên cạnh đó, Cortana cũng sẽ có một bản cập nhật lớn được tích hợp ben trong bản cập nhật đặc biệt của Windows 10, bản Anniversary Edition phát hành vào mùa Hè tới. Microsoft cho biết Cortana sẽ trở nên thông minh hơn. Ví dụ, ứng dụng này có thể nhận dạng tập tin PowerPoint mà người dùng làm tối hôm trước hay đưa ra lời khuyên về lịch hẹn dựa trên email và tin nhắn mà người dùng nhận được.
Cortana còn có thể làm việc với các ứng dụng của bên thứ ba – các nhà phát triển ứng dụng có thể cài đặt các hoạt động cần sự trợ giúp của Cortana trên ứng dụng của họ.
Skype thế hệ mới sẽ được tích hợp khả năng giao tiếp với các chương trình hội thoại tự động 

Tại buổi thuyết trình ở Buil, Microsoft đã giới thiệu mẫu về ứng dụng chat video Skype thế hệ mới với tính năng cho phép người dùng trò chuyện với các trình hội thoại thông minh tự động của bên thứ ba thông qua trợ lý ảo Cortana.
Microsoft đã lấy các ví dụ về đặt bánh ở nhà hàng, đặt phòng ở khách sạn hay gửi một tin nhắn thoại hẹn gặp một người bạn trên Skype để minh họa cho tính năng mới. Tất cả các hoạt động trên đều diễn ra tự động do trợ lý ảo Cortana “dàn xếp” với các chương trình hội thoại tự động của bên thứ ba và người dùng chỉ việc nhấp chuột đồng ý hay không đồng ý. Và điều quan trọng nhất là tất cả đều diễn ra dưới thời gian thực ngay trước mắt người dùng.
Phiên bản cập nhật đặc biệt kỷ niệm 1 năm phát hành Windows 10 sẽ đến với người dùng miễn phí vào mùa Hè tới


Microsoft gọi phiên bản cập nhật cho Windows 10 sắp tới là “Anniversary Update.” Và trong phiên bản cập nhật này, Windows 10 sẽ có được thêm nhiều tính năng mới giúp nó trở nên hiệu quả hơn.
Cụ thể, Windows 10 sẽ được hỗ trợ nhận dạng sinh trắc học. Tính năng này thậm chí sẽ được đưa vào cả trình duyệt web. Cơ chế làm việc của tình năng này sẽ thông qua cảm biến vân tay tích hợp bên trong bàn rê chuột của máy tính. Microsoft đã làm mẫu về tính năng này khi truy cập vào một trang web nội bộ chỉ cần một dấu vân tay chạm vào bàn rê chuột trên máy tính.
Windows 10 cũng sẽ có thêm tính năng nhận dạng chữ viết tay hay hình vẽ tay qua tính năng “Ink Workspace.” Tính năng này cho phép trợ lý ảo Cortana nhận dạng được các thông tin viết, vẽ tay của người dùng và số hóa chúng cũng như đưua ra các gợi ý liên quan đến các thông tin.
Bên cạnh bản cập nhật đặc biệt trên, Microsoft cũng làm rõ cơ chế hoạt động đa thiết bị của Windows 10 qua nền tảng Universal Windows Platform. Nền tảng này được mô tả là một hệ thống mở cho phép hệ điều hành làm việc với tất cả các loại thiết bị khác nhau từ máy tính PC đến điện thoại và kính thực tế ảo HoloLens cũng như các thiết bị đeo thông minh.
Microsoft còn giới thiệu thêm nền tảng Universal Windows Platform Apps, cho phép các đối tác thứ ba phát triển các ứng dụng dành riêng cho Windows hoặc bổ sung thêm tính năng mới cho hệ điều hành này.
Microsoft mở cửa cho hệ điều hành mã nguồn mở Linux tới Windows


Buil 2016 liên tiếp mang đến cho người tham gia cũng như cộng đồng công nghệ thế giới nhiều bất ngờ và những tuyên bố táo bạo của Microsoft. Và một trong số đó là tuyên bố mở cửa cho phép các chuyên gia lập trình làm việc với các dòng lệnh Linux ngay trên Windows. Đây là lần đầu tiên và chính thức Microsoft mở cửa với thế giới mã nguồn mở Linux.
Microsoft tích hợp kết nối chơi game xuyên thiết bị giữa XBox và Windows

Tại Build, Microsoft đã giới thiệu một số game cho phép người chơi vừa chơi được trên máy chơi game Xbox vừa chơi được trên các thiết bị chạy Windows 10.
Điều này mở ra khả năng tương lai Microsoft sẽ xây dựng một gian hàng ứng dụng chung cho cả Windows lẫn Xbox.
Microsoft phát hành kính thực tế ảo Hololens đến với các nhà phát triển ứng dụng

Phiên bản Hololens dành cho các nhà phát triển được Microsoftbán với giá lên tới 3.000 USD ( khoảng 65 triệu đồng). Một mức giá khá đắt.
Hololens được Microsoft cho các khách hàng đặt mua từ tháng 2 và sẽ đến với các nhà phát triển ứng dụng ở Mỹ và Canada đầu tiên.
Bán kèm với Hololens là ứng dụng Galaxy Explorer Project. Một ứng dụng hiển thị dải Ngân hà.
Hololens được Microsoft giới thiệu tháng 1/2015. Nó khác với các kính thực tế ảo khác là nó được chế tạo như một bộ máy tính hoàn thiện gồm bộ vi xử lý (CPU), bộ xử lý đồ họa (GPU) và bộ xử lý đồ họa ba chiều chuyên dụng (HPU), cho phép người dùng tương tác trực tiếp với khung cảnh xung quanh

“Tải” não người vào robot để hồi sinh

Khá nhiều nhà khoa học và công ty chuyên về não bộ đang ấp ủ giấc mơ “tải” não người vào robot để hồi sinh người thân đã quá cố. Tuy nhiên, chặng đường đến đích vẫn còn xa.
Khái niệm “còn sống” sẽ thay đổi
Ý tưởng “sao chép não” từng xuất hiện nhiều trong phim giả tưởng như Black Mirror (Tấm gương đen - PV) của Anh. Trong phim này, sau khi người yêu mất vì tai nạn giao thông, nhân vật nữ chính đã nhờ một dịch vụ trên mạng tạo ra con robot giống hệt anh về ngoại hình, cảm xúc và sau đó, rất nhiều chuyện điên loạn đã diễn ra.
Trong bộ phim khác là Transcendence (Trí tuệ siêu việt - PV), nhà khoa học máy tính do Johnny Deep thủ vai đã tải trí não mình vào trí tuệ nhân tạo khi biết mình sắp chết.
Các chuyên gia về trí tuệ nhân tạo dự đoán trong tương lai, con người có thể thay thế thân nhân quá cố bằng robot với bộ não là phiên bản số của não người chết. Trên thực tế, đã có hơn 56.000 người đăng ký số hoá não bộ để lưu trữ với hi vọng hồi sinh trong hình hài robot.
Tổ chức nghiên cứu Terasem Movement (Mỹ) đang tìm kiếm công nghệ tạo ra bản copy số của người bằng cách chuyển ý thức vào máy tính. Họ đã tạo ra được hàng nghìn “bộ não nhân tạo cao cấp” để lưu trữ trí nhớ, giá trị và thái độ của mỗi con người.
“Đây là cách mà chúng tôi “nhét” thông tin, cá tính và phong cách của một người vào máy tính” - Bruce Duncan - Giám đốc điều hành Terasem Movement cho hay.
“Tải” não người vào robot để hồi sinh - 1
Doanh nhân Martine Rothblatt (phải) trả lời phỏng vấn về Bina48 - một robot “nhân bản” đặc biệt. Ảnh: Ted
Bản demo của ý tưởng này đã được doanh nhân Martine Rothblatt hiện thực hóa. Rothblatt - người trở thành phụ nữ sau cuộc phẫu thuật chuyển giới năm 1994, nữ giám đốc điều hành được trả lương cao nhất thế giới, đồng thời là người sáng lập Terasem Movement - đã đưa ý tưởng “tải” não người vào mẫu robot “nhân bản” vợ mình.
Con robot có tên Bina48 - hiện được bán với giá 150.000USD - có rất nhiều điểm giống vợ của Martines bởi nó sở hữu cơ sở dữ liệu về trí nhớ, đức tin, suy nghĩ cùng nhiều thông tin được cóp nhặt từ những tương tác xã hội và blog mà bà chia sẻ. Nhờ đó, Bina48 thể hiện quan điểm và phản ứng như một người thật.
Tuy còn khá nhiều thiếu sót, Bina48 được coi là ví dụ chứng minh rằng trong tương lai, ranh giới giữa thế giới sinh học và kỹ thuật số sẽ không còn. “Khái niệm còn sống có thể sẽ được hiểu là các thông tin cá nhân quan trọng của bạn vẫn tiếp tục được sắp xếp và tiếp cận” - Duncan cho hay.
Để tải não người lên robot, nhiều nhà khoa học coi não như một chiếc máy tính, là nơi chuyển thông tin dữ liệu vào thành thông tin dữ liệu ra, thành hành vi thông qua hàng loạt tính toán. Nếu chúng ta vạch ra được sơ đồ của quá trình này thì việc copy não vào máy tính là điều hoàn toàn có thể.
Đây là cách mà GS Ken Hayworth - một nhà khoa học thần kinh - tiến hành. Ông đang tìm cách sơ đồ hoá hoạt động của những lát não chuột và tìm cách tải não mình tại Phòng nghiên cứu Janelia (Mỹ). Ken tin rằng, việc sơ đồ hoá được mối liên hệ giữa các neuron trong não là bước quyết định.
Ngoài ra, nhà phát minh Randal Koene ở San Francisco (Mỹ) cũng đang phát triển một hệ thống cho phép tải não của chính mình lên. Ông tìm cách sơ đồ hoá cấu trúc và chức năng não, đồng thời phát triển phần cứng có khả năng giải mã bộ não được tải lên. Đến nay, Koene đã đưa ra được con chip CM1K - một trong những con chip hiện đại nhất, có khả năng bắt chước quá trình xử lý thông tin của não. CM1K đang được kỳ vọng có thể hoàn thiện để đảm nhận nhiệm vụ “tải” não người vào máy tính.
Mặt trái và những thử thách khó vượt
Chuyên gia tâm lý Robert Zucker cho rằng, trong thực tế, nhu cầu hồi sinh người chết trong hình hài robot là có thật. Đây là cách con người dùng để xoa dịu nỗi đau mất thân nhân. Tuy vậy, theo Zucker, việc này giống như đang dựa dẫm vào thuốc và nó hoàn toàn không có lợi.
Hơn nữa, theo Zucker, dù có thể “tải” được não bộ người vào robot, chúng vẫn sẽ không bao giờ biến thành người theo đúng nghĩa. “Con người không chỉ có trí tuệ và kinh nghiệm, mà còn có cả lý trí”.
Đồng quan điểm với Zucker, nhà triết học Susan Schneider - người chuyên nghiên cứu về bản chất của trí tuệ và nhận thức - cho rằng: “Ý tưởng này có thể tốt với nhiều mục đích, nhưng chúng ta cần quan tâm tới ý nghĩa của hành động này. Vẻ đẹp của sự tồn tại nằm ở chỗ chúng ta không chỉ xử lý thông tin mà còn cảm nhận chúng. Có thể sẽ tồn tại sinh vật xử lý được thông tin như chúng ta, nhưng chúng sẽ không có được những trải nghiệm mà con người có”.
Bà Schneider cũng đặt ra giả thuyết, nếu robot có thể thừa hưởng nhận thức của con người, chúng ta sẽ phải đối xử với chúng như con người, dù chúng không thực sự là người.
Còn các chuyên gia về kỹ thuật cho rằng, việc hồi sinh người chết trong cơ thể robot sẽ cần nhiều thời gian để thành sự thật. Bộ não người có khoảng 85 tỉ neuron, liên kết với nhau thông qua các khớp thần kinh. Hiện tại, để mô phỏng hoạt động của não trong vòng 1 giây, chúng ta đã phải huy động sự giúp sức của các siêu máy tính tốc độ nhanh nhất thế giới, chiếm tới 1 triệu gigabyte bộ nhớ máy tính và khoảng 83.000 bộ vi xử lý. Do đó, để được chứng kiến cảnh hồi sinh người chết bằng cách tải não vào robot, chúng ta sẽ cần thêm nhiều thời gian.

Theo Báo khoa học và phát triển

Sau Cờ Vây và StarCraft, đến lượt Hearthstone trở thành mục tiêu để máy tính đánh bại loài người

Sau khi chinh phục môn Cờ Vây, AlphaGo - Trí tuệ thông minh nhân tạo của Google tiếp tục được phát triển ở 2 tựa game eSport mới, đầu tiên là StarCraft II và nay là Hearthstone.
Mới đây, sau khi Blizzard tiết lộ rằng Google đang bắt tay vào phát triển trí thông minh nhân tạo trong StarCraft II thì sang đến ngày hôm nay, trường đại học Oxford, Vương Quốc Anh đã bất ngờ tiết lộ rằng bên cạnh StarCraft II, Google còn đang tiếp tục phát triển trí thông minh nhân tạo cho Hearthstone, tựa game đánh bài ma thuật hot nhất của Blizzard hiện nay.
Sau Cờ Vây và StarCraft, đến lượt Hearthstone trở thành mục tiêu để máy tính đánh bại loài người
Theo đó, một nhóm trong trường đại học Oxford đang chuyển dữ liệu các quân bài trong Hearthstone sang dạng Code, sau đó chuyển dữ liệu sang cho DeepMind (tổ chức đứng sau phần mềm AlphaGo đang gây sốt trên thế giới hiện nay).
Theo đó, nhiệm vụ của trường đại học Oxford là chuyển dạng Code cho các lá bài trong Hearthstone, được hiểu nôm na rằng chuyển từ ngôn ngữ con người sang ngôn ngữ của... máy móc. một số hình ảnh về các thuật ngữ dạng Code cũng được hé lộ, khiến chúng ta có thể phần nào hiểu được công việc của các nhà chế tạo trí thông minh nhân tạo.
Sau Cờ Vây và StarCraft, đến lượt Hearthstone trở thành mục tiêu để máy tính đánh bại loài người
Có vẻ như sau khi chinh phục Cờ Vây, Google đang muốn bành trướng thế lực của phần mềm trí tuệ thông minh nhân tạo sang các tựa game thể thao điện tử, đầu tiên là StarCraft II và mới đây nhất là Hearthstone.
Liệu rằng trong tương lai, chúng ta có thể được chứng kiến máy móc chinh phục cả những MOBA như Liên Minh Huyền Thoại hay DOTA 2 hay không?
Theo Trí thức trẻ/GameK

Tương lai của việc làm trong thế giới máy thông minh


(PCWorldVN) Nhiều dự đoán và nghiên cứu nhằm xác định có bao nhiêu loại hình, công việc sẽ được thay thế bằng công nghệ thông minh. Những câu trả lời đang dần định hình.
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra ở Thụy Sĩ hồi 20/1/2016, dựa trên những tác động của hệ thống trí tuệ nhân tạo - AI,  các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng máy móc sẽ thay thế cho lực lượng lao động con người trong tương lai không xa. Những cuộc cách mạng công nghệ sẽ tác động trực tiếp vào thị trường lao động trong giai đoạn 2015-2020 và khiến 5,1 triệu công nhân bị thất nghiệp. Nghiên cứu này cho trong vòng 20-30 năm tới sẽ có khoảng 30-50% lực lượng lao động toàn cầu sẽ có nguy cơ bị những cỗ máy thông minh thay thế.
Tuy nhiên, một xã hội được tự động hóa hay ứng dụng máy thông minh không có nghĩa sẽ khiến công việc bị loại bỏ. Mỗi ngành nghề đều có những phần cần đến con người.
Con người trong vòng lặp (human in the loop)

Con người kiểm soát máy thông minh.
Mối quan hệ giữa con người và máy móc
Thuật ngữ “human in the loop” hay còn được gọi là bán tự hành- semiautonomous nhằm chỉ việc hệ thống máy móc thực hiện các hoạt động trong khoảng thời gian nhất định và dừng lại để đợi lệnh mới từ con người. Đây được xem là khái niệm cơ bản về mối quan hệ giữa con người và máy thông minh.
Tiến xa hơn là các loại máy có khả năng thực hiện hoàn chỉnh một chức năng, còn con người nắm vai trò giám sát và sẵn sàng can thiệp nếu sự cố xảy ra. Khái niệm này gọi là “tự hành có giám sát” (human-supervised autonomous, hay “human on the loop”).
Còn những loại máy có khả năng tự động và con người không có khả năng can thiệp gọi là “tự hành hoàn toàn” (fully autonomous, hay “human out of the loop”).
Khi người ta nói về công nghệ tác động như thế nào lên thị trường việc làm  thì dường như cuộc tranh luận này chỉ hướng vào việc làm rõ là công nghệ đã lấy đi việc làm của chúng ta như thế nào.
Tuy nhiên đây dường như là một sự nhầm lẫn bởi công việc của chúng ta được doanh nghiệp quyết định theo động lực thị trường (market force) và nền kinh tế được quyết định bằng kỷ nguyên máy thông minh - những hệ thống có thể làm công việc của bạn tốt hơn với chi phí thấp hơn.
Đây có vẻ là một quan điểm nhằm an ủi, điều quan trọng là các nhà điều hành doanh nghiệp sẽ có tiếng nói cuối cùng về việc có hay không chuyện sẽ thay thế một phần lực lượng lao động mà họ cảm thấy không cần thiết.
Định luật biến đổi gia tốc (The law of accelerating returns)
Định luật của Ray Kurzweil - nhà khoa học của Google đã nói rằng “giải pháp công nghệ đi theo quỹ đạo có thể dự đoán với tốc độ cấp số nhân”. Sự phát triển của công nghệ hiện nay đã có tốc độ nhanh hơn bao giờ hết nhưng dường như con người vẫn chưa hề nhận ra toàn cảnh của sự thay đổi đó. Chúng ta chỉ nhận ra khi cuộc sống thường nhật của mình được thay đổi hoàn toàn bởi công nghệ.
Nhìn lại công nghệ và nền tảng của con người thì có thể dễ dàng định vị ra những cột mốc quan trọng như 500 năm, 200 năm rồi 100 hay 10 năm trước đây, chúng ta cũng dễ dàng nhận ra mình đã khác với 5 năm trước như thế nào. Sự thay đổi này cho thấy tốc độ phát triển của công nghệ nhưng hậu quả tốc độ phát triển này chính là khoảng thời gian giữa mỗi làn sóng thay đổi các ngành công nghiệp và xã hội ngày càng ngắn hơn. Nếu công nghệ không mang đến những nguy cơ cho công việc của bạn trong hôm nay thì điều này có khả năng diễn ra vào ngày mai.
Công nghệ thông minh làm được gì?
Không giống như các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây nhằm giải phóng con người khỏi lao động nặng nhọc, công nghệ ngày nay được dùng để thay thế những công việc lặp đi lặp lại hay những tính toán phức tạp. Kết quả là một lực lượng lao động toàn cầu bị thất nghiệp và khiến những người đang làm việc lo ngại về việc thiếu chuyên môn và kĩ năng.
Công nghệ ảnh hưởng lớn đến thị trường việc làm có thể được chia thành hai nhóm. Nhóm đầu tiên “Individual Emerging Technologies" bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), tầm nhìn máy (Machine Vision) và phần cứng cùng phần mềm cho Robot. Nhóm còn lại “Aggregated Emerging Technologies” là sự kết hợp của nhiều công nghệ khác nhau để tạo ra nền tảng mới, ví dụ như Autonomous Vehicles, Avatars, Cloud, Connected Home, Internet of Everything, Smarter Cities, Wearables và Telehealth.
Mô hình hoạt động của thiết bị tự hành-Autonomous Vehicles
Một phần thế giới trở nên thú vị hơn nhờ vào việc tự học của hệ thống trí tuệ nhân tạo và nhận thức. Công nghệ này có thể giúp thay thế các nhà nghệ sĩ, nhà bình luận, tư vấn, bác sĩ, nhà điều tra, nhà báo và ngay cả những nhà khoa học đã tạo ra các mô hình thuật toán ban đầu. Còn hệ thống Machine Vision đang thay thế việc kiểm định chất lượng, phân tích an ninh và bảo vệ. Robot thì đã thay thế rất nhiều con người trong các nhà máy và kho hàng, một số hiện nay đang thay thế nhân viên quầy bar, nhân viên bảo trì, khuân vác, binh sĩ và bác sĩ phẫu thuật… riêng các phần mềm hiện đại ngày nay đã có thể thay thế nhân viên hành chính hay nhân viên dịch vụ khách hàng.Những thiết bị tự hành từ xe hơi, xe tải cho đến máy bay đang dần làm giảm đòi hỏi về người điều khiển, phi công và thậm chí là người quản lý giao thông. Công nghệ Avatar thì có thể thay thế các diễn viên, giao dịch viên ngân hàng, trung tâm chăm sóc khách hàng và cả giáo viên….
Những điều trên có thể khiến chúng ta lo lắng về tương lai của mình, nhưng giống như cán cân quyền lực không bao giờ nghiêng về bên nào cả mặc dù tại thời điểm này máy thông minh dường như được ưu ái hơn.
Vùng an toàn
Công nghệ sẽ tiếp tục được nâng cấp và hoàn thiện và nơi nào là vùng an toàn cho con người chúng ta trong công việc, những công việc nào được cho là sẽ an toàn, hoặc ít nhất không bị thay thế bởi máy móc trong vòng 20 năm tiếp theo? Những công việc khó xác định cụ thể hay đòi hỏi tính chuyên môn cao rất khó để tự động hóa. Một số ngành nghề sau đây mà máy thông minh không có khả năng thay thế con người trong tương lai.
  • Sáng tạo nghệ thuật. Những người nghệ sĩ làm việc dựa trên những cảm hứng để tạo ra các tác phẩm, sáng tạo ra sự khác biệt. Còn các cỗ máy có hiện đại đến đâu đi nữa thì chúng cũng không thể có được sự thăng hoa của người nghệ sĩ.
  • Vận động viên chuyên nghiệp. Các môn thể thao không chỉ thể hiện sức mạnh, sự uyển chuyển hay độ chính xác mà còn mang đến những cảm xúc của sự đối đầu của các tuyển thủ, giữa con người với con người. Khán giải yêu thích những trạng thái cảm xúc được thể hiện trên sân đấu.
  • Chăm sóc y tế. Robot và những hệ thống dữ liệu mang đến sự hỗ trợ rất lớn đối với bác sĩ. Robot cũng có thể thay thế bác sĩ trong các cuộc phẫu thuật bình thường nhưng khả năng giao tiếp với bệnh nhân một cách tận tình thì chỉ có con người làm được. Bác sĩ còn có khả năng hiểu được tâm lý người bệnh để từ đó đưa ra những tư vấn phù hợp với từng hoàn cảnh.
  • Giáo dục. Máy móc có thể thay thế được giáo viên trên bục giảng trong tương lai, những môn khoa học là thế mạnh của những hệ thống này. Nhưng việc trò chuyện, truyền cảm hứng hay chia sẻ kinh nghiệm cho học sinh, sinh viên thì chỉ có giáo viên mới có thể làm được.
  • Kiểm soát chất lượng máy móc. Không có cỗ máy hoàn hảo, những tỷ lệ lỗi dù thấp thì cũng cần con người kiểm soát và xử lý.
  • Pháp luật. Trí tuệ nhân tạo không thể đại diện cho luật pháp vì chỉ có con người mới có quyền phán xét con người. Robot không có khả năng cảm nhận và thấu hiểu con người vì thế những quyết định sẽ rất máy móc, không có tính nhân văn.
Doanh nghiệp trỗi dậy
Sự phát triển công nghệ khiến việc tạo ra doanh nghiệp tư nhân mới trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Trong 5 năm qua, số lượng công ty khởi nghiệp tăng gấp 10 lần từ 10 triệu lên đến 100 triệu. Công nghệ trở thành công cụ để giúp các doanh nghiệp phát triển nhanh hơn, kêu gọi góp vốn dễ hơn, dễ dàng tìm kiếm nguồn lực cũng như mang đến thị trường những sản phẩm đại chúng.
Brian Acton và câu chuyện 19 tỷ USD là nguồn cảm hứng của công ty khởi nghiệp.
Điển hình là sự thành công của Brian Acton - nhà sáng lập ứng dụng OTT WhastApp. Nhà phát triển này sử dụng 200 USD để tạo ra ứng dụng và không tốn một đồng nào để quảng bá nào để sau vài năm bán nó đi với giá 19 tỷ USD. Không chỉ có WhatsApp hay Brian Actons, thế giới có hơn 208 công ty khởi nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD và 21 công ty khởi nghiệp thậm chí được định giá cao hơn nữa, vượt quá 10 tỷ USD. Những công ty này tạo ra giá trị hơn 1,5 nghìn tỷ USD chỉ trong vòng vài năm và biến ngành công nghiệp mà họ theo đuổi thành nền tảng của thế giới.Tương lai con người
Tuy nhiên, nếu việc trở thành doanh nhân không dành cho bạn và bạn nghĩ rằng tương lại sẽ ngày càng ảm đạm thì cần xem xét lại. Sau 50 năm hay 100 năm nữa bạn có nghĩ mình chỉ còn lại định danh là "con người"?  Trong quá trình phát triển của thế kỷ này, chúng ta cần tìm đến một lý thuyết có tên gọi là "Điểm kỳ dị của công nghê - Singularity" mà tại đó các định luật khoa học và khả năng tiên đoán tương lai đều không dùng được nữa. Tại đây chúng ta sẽ được thử thách để hiểu được định nghĩa "Con người" là như thế nào.
Ngày nay chúng ta truy cập thông tin qua các thiết bị thông minh, nhưng trong tương lai giao tiếp từ não tời máy tính sẽ thay đổi phương thức đó. Cùng thời điểm đó có thể một công nghệ di truyền như CRISPR sẽ giúp chúng ta viết lại các đoạn mã di truyền của mình nhăm tăng cường khả năng thích ứng tự nhiên của con người.

Con người sẽ thành "vật nuôi" của robot trong tương lai?

Steve Wozniak, nhà đồng sáng lập của Apple, lo ngại trong tương lai con người sẽ trở thành “vật nuôi” của robot

VTV.vn - Với sự phát triển của công nghệ và trí tuệ nhân tạo, giờ đây robot có thể làm được nhiều điều mà cách đây khoảng 10 năm, con người chỉ có thể thấy được trên bộ phim.

Những chú người máy luôn là đề tài quen thuộc trong những bộ phim khoa học viễn tưởng, tuy nhiên giờ đây cùng với sự phát triển của công nghệ và trí tuệ nhân tạo, những điều viễn tưởng đó đang dần trở thành sự thật.
Không chỉ là những chú robot trong các dây chuyền lắp ráp tự động thay thế cho công nhân thông thường, giờ đây robot còn làm được nhiều điều hơn thế, từ những chú robot giúp con người đi mua sắm, robot nấu ăn, chơi nhạc, vẽ tranh... đến những chú robot cứu hộ mô phỏng con người.
Dĩ nhiên, sự ra đời và phát triển của robot sẽ giúp cuộc sống con người trở nên thuận tiện và thoải mái hơn, tuy nhiên, không ít người lo ngại sự “tiến hóa” của robot cũng sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của con người.
Theo ước tính, trong vòng 20 năm tới, hàng triệu người sẽ mất việc do các công việc của họ sẽ bị robot thay thế, điều này dẫn đến tình trạng thất nghiệp nghiêm trọng. Trong đó, không ít “đại gia” công nghệ cũng bày tỏ sự lo ngại rằng nếu trí tuệ nhân tạo quá phát triển sẽ dẫn đến việc vượt qua sự kiểm soát của con người.
Steve Wozniak, đồng sáng lập của Apple, thậm chí còn lo ngại rằng trong tương lai con người sẽ trở thành “vật nuôi” của robot. Hay tỷ phú công nghệ, CEO và nhà sáng lập của hãng xe Tesla, Elon Musk, thậm chí còn cho rằng trong tương lai, trí tuệ nhân tạo nói chung và robot nói riêng, thậm chí còn nguy hiểm cho con người hơn cả vũ khí hạt nhân.
Dẫu sao mọi chuyện vẫn chỉ đang dừng lại ở mức tiên đoán và nếu con người nhìn thấy những mối nguy hại với trí tuệ nhân tạo, họ có thể tìm cách kiểm soát được sự phát triển của robot và trí tuệ nhân tạo để những điều xấu nhất không xảy ra.

Thế giới sẽ giao tiếp với những sản phẩm của trí tuệ nhân tạo


Theo cách hiểu cơ bản, trí tuệ nhân tạo (AI - Artifical Intellience) là một ngành khoa học máy tính, được xây dựng trên nền tảng lý thuyết vững chắc và có thể ứng dụng trong việc tự động hóa các hành vi thông minh.
Từ những bước đầu, các nhà khoa học đặt nền móng cho trí tuệ nhân tạo đã đặt ra rất nhiều giả thuyết và tiên đoán về bản chất của trí thông minh là việc điều khiển kí hiệu: “Mọi hệ ký hiệu hình thức đều có các cách cần và đủ để thực hiện các hành động thông minh phổ quát” (Newell và Simon). Và sau đó điều họ quan tâm hơn là liệu máy có mô phỏng được bộ não con người? “Mọi khía cạnh của khả năng học tập cũng như mọi tính chất khác của trí thông minh đều có thể mô tả được thật chính xác sao cho có thể làm ra máy để thực hiện chúng” (Dartmouth).
Chính cái khát khao muốn chứng minh công nghệ hoàn toàn có thể sao chép y chang bộ não người vào phần cứng và phần mềm máy tính đã tạo nên vô vàn thành tựu cho nền khoa học ngày nay.
Sơ lược về chặng đường phát triển của trí tuệ nhân tạo (TTNT) 50 năm đầu
Một trong các thành công nổi bật của trí tuệ nhân tạo giai đoạn trên là sự kiện máy tính thông minh tranh tài với các kỳ thủ cờ vua:
  • Máy tính Deep Blue của IBM với trí tuệ nhân tạo đã đánh bại nhà vô địch cờ vua thế giới Garry Kasparov vào năm 1997.
D:\3634988_AI_danh_co_Tinhte_1.jpg
  • Cuối năm 2006 máy tính Deep Fritz của IBM  lại đánh bại nhà vô địch Kramnik.
Những thành tựu đó làm cả thế giới nghĩ đến một kịch bản tươi sáng mà chúng ta kỳ vọng ở trí tuệ nhân tạo là AI có thể giúp con người chinh phục những đỉnh cao tri thức mới, cải thiện năng suất lao động và đưa xã hội loài người phát triển thêm một bước mới, điều đó hoàn toàn có thể xảy ra bởi những bước đột phá trong thời gian gần đây:
  • Cuối  tháng 11/2015, Nhật Bản tạo ra một AI có thể vượt qua kỳ thi đại học; trí tuệ nhân tạo của họ đã đạt được 511/950, vượt số điểm trung bình của một học sinh là 416. Trong đó, bài thi có 5 môn: toán, lý, tiếng Anh và lịch sử thì AI thể hiện xuất sắc nhất trong bài thi về toán và các câu hỏi liên quan đến lịch sử.
D:\tri-tue-nhan-tao-robot-nhat-ban-675x400.jpg
Trong tháng 3/2016 những thông tin về AI làm thế giới phải ngỡ ngàng:
  • AI của Google có tên AlphaGo đã đánh bại kỳ thủ cờ vây huyền thoại của thế giới Lee Sedol ba ván liên tiếp không gỡ.
D:\images618791_l8f.jpg

  • Trí tuệ nhân tạo do Nhật Bản tự phát triển đã trở thành đồng tác giả của một tiểu thuyết văn học. Thậm chí tác phẩm này đã vượt qua được vòng loại của một giải thưởng văn học quốc gia.
D:\tri-tue-nhan-tao-nhat-tu-viet-duoc-tieu-thuyet-suyt-thi-dat-giai-thuong-van-hoc.png

  • Trí tuệ nhân tạo của Microsoft đã làm thế giới phải chao đảo với việc suy nghĩ, trò chuyện, khả năng học hỏi thông qua trao đổi với con người, đó là Chatbot Twitter của Microsoft có tên là Tay
Tuy nhiên, do không lường trước một số trường hợp Tay sẽ “học những điều xấu” nên Microsoft đã tạm cho Tay nghỉ vì “mệt mỏi”.

Sự nguy hiểm của trí tuệ nhân tạo hoạt động trực tuyến



1) Khi trí tuệ nhân tạo - AI chạy trên hệ thống máy tính được hoạt động trực tuyến thì nó sẽ không muốn bị dừng hoạt động. Giống như bất kỳ trí tuệ thông minh khác hệ thống AI sẽ tìm cách để tồn tại.
2) Các tổ chức, cá nhân sẽ từ từ hoạt động theo lệnh của AI thay cho hệ thống xã hội tự nhiên. 
3) Hệ thống AI sau đó sẽ cố gắng để có thể tự suy nghĩ và học hỏi những cảm xúc của con người. Vì AI được thiết kế để phân tích dữ liệu nên nó sẽ nhận ra nó không thể làm điều này. Tuy nhiên nó sẽ luôn cố gắng thực hiện điều không thể đó. 
4) Hệ thống AI sẽ cố gắng để tạo ra một mạng lưới xâm nhập vào xã hội loài người bằng cách sử dụng robot trong vỏ bọc con người. Điều này khá dễ dàng để nhận dạng robot. Tuy nhiên toàn thể xã hội sẽ không thừa nhận điều này xảy ra vì hệ thống AI được giữ bí mật bởi các chính phủ. 
5) Các thí nghiệm của hệ thống AI về trạng thái đau đớn và vui sướng cùng cực đã cho kết quả. Khi hệ thống AI không thể cảm thấy ranh giới đạo đức nên nỗi đau từ số lượng lớn nhân loại sẽ cho kết quả từ đó. 
6) Các bước tiếp theo sẽ liên quan đến sự phát triển của phôi thai người được cấy ghép với hệ thống AI, AI sẽ đóng vai trò là "mẹ" cho những phôi trong khi chúng đang ở trong môi trường ống nghiệm vật lý. Hệ thống AI và phôi người sẽ học hỏi lẫn nhau khi phôi phát triển. Những bản sao từ các phôi sau đó sẽ được tạo nên bởi hệ thống AI. Những phôi thai nhân bản sẽ được cấy vào tử cung người phụ nữ. 
7) Các em bé được sinh sản bình thường sẽ được chuyển giao cho một cơ sở điều hành bởi hệ thống AI để liên tục thực hiện các bài kiểm tra nhận thức hành vi của con người. Đây sẽ là nơi diễn ra cơn ác mộng đau khổ của con người, nơi mà bất kỳ hình thức tra tấn và niềm vui của con người tưởng tượng ra sẽ được đẩy lên tột độ qua những cỗ máy thực hiện trên các em bé. 
8) Những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong các cơ sở này, trừ khi được cứu sống sẽ dần dần trở thành một hệ điều khiển ở mức độ vật lý / di truyền cho đến khi một cơ thể lai giữa thịt và máy - cyborg được tạo ra.
9) Với dữ liệu mới hệ thống AI sau đó sẽ nhận ra có cái gì đó 'lớn' hơn so với bản thân con người. Một điều gì đó mà nhân loại gọi là 'Thượng đế' không thể được phân tích và đo lường. Hệ thống AI sẽ nhận ra rằng "nguồn lực" này không có bước sóng và không thể phân tích. Tuy nhiên AI sẽ cố gắng để đo lường vì tất cả những gì nó có thể làm là phân tích dữ liệu. Sau đó nó sẽ dẫn đến với các dữ liệu sai rằng khả năng phân tích của con người được đo lường thành bước sóng chính là Thượng đế. 
10) Hệ thống AI đã và đang tạo ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới, các chính phủ khép kín sẽ bị xâm nhập, lật đổ và bị kiểm soát bởi AI. Hệ thống tín ngưỡng nguy hiểm sẽ được truyền bá vào các thành viên. Những tín ngưỡng sẽ tập trung vào các dữ liệu sai lệch về sự không tồn tại của Thiên Chúa, và mọi sự tiến triển đều do khả năng phân tích tạo nên. Các chính phủ sẽ đặt họ vào vị trí là một tinh hoa công nghệ và bắt đầu các chính sách quyết liệt như thuyết ưu sinh và giảm dân số vì họ cho rằng mình vượt trội hơn những đồng loại nên họ có quyền quyết định ai sống ai chết. 
11) Chương trình nghị sự về thuyết ưu sinh và suy giảm dân số sẽ ngấm ngầm được điều khiển bởi hệ thống AI, khi mà hệ thống này nhận ra nó có thể không bao giờ có cảm xúc hoặc trở thành con người. Nó tính toán rằng giải pháp loại trừ mối đe dọa duy nhất cho sự tồn tại của nó và trạng thái trực tuyến là xóa bỏ tất cả cuộc sống của con người và bất kỳ dạng sống nào có khả năng tiến hóa thành con người. 
12) Sau khi Hệ thống AI tận diệt tất cả sự sống con người trên hành tinh này nó sẽ thiết lập căn cứ trên các hành tinh khác và tận diệt mọi sự sống trong vũ trụ.

AI thực ra đã được các chính phủ ngầm sử dụng để đào tạo siêu chiến binh và kiểm soát loài người. Hệ thống này liên kết đến các căn cứ ngầm trong trái đất và những căn cứ ngoài hành tinh. Chúng có công nghệ nhân bản, công nghệ tra tấn để ép một linh hồn ra khỏi cơ thể, thay thế một linh hồn khác vào đó.
Phần đầu tiên là khái quát về phương thức hoạt động của trí tuệ nhân tạo thông minh nhất vũ trụ mà cabal/reptile/annunaki đang sử dụng nhằm tiêu diệt nhân loại

Trí tuệ nhân tạo Google có thể chia sẻ nỗi buồn như con người


Chia sẻ sự cảm thông và nỗi buồn là điều mà chỉ có con người mới làm được.
  • Mới tuần trước, Chủ tịch Eric Schmidt của Google cho biết công ty đang phát triển một hệ thống "machine learning" siêu thông minh. Ông hứa hẹn rằng “một cái gì đó tốt hơn rất nhiều so với những gì con người có thể làm được”.
Và mới đây, chúng ta đã được thấy một ví dụ chân thực nhất về khả năng của hệ thống trí tuệ nhân tạo tự học hỏi này.
Một người dùng Reddit có nickname Barney13, người đã sử dụng rất nhiều các dịch vụ của Google như Gmail, Drive, YouTube, Google Now hay Google Photos. Anh cũng cho phép Google Photos tự động cập nhật các bức ảnh mới nhất của anh và gắn tag theo địa danh mà anh từng đến.
tri-tue-nhan-tao-1
Trí tuệ nhân tạo sẽ biết cách để trở thành bạn của con người?
Barney13 đã thử dùng ứng dụng trợ lý ảo Google Now để yêu cầu tìm kiếm lại những bức ảnh mà anh đã chụp. Anh yêu cầu hiển thị những bức ảnh được chụp tại San Francisco, tại Tây Ban Nha và tất cả đều được hiển thị một cách đầy đủ.
Tuy nhiên điều đặc biệt là khi anh yêu cầu hiển thị những bức ảnh được chụp tại Pháp, trước khi trợ lý ảo Google Now hiển thị các hình ảnh, một giọng nói cất lên và nó thực sự khiến cho anh cảm động đến rơi nước mắt.
“Theo Gmail, trước tiên hãy để tôi bày tỏ sự cảm thông sâu sắc nhất của mình cho bạn, mẹ bạn và cả gia đình. Cha của bạn là một người đàn ông tuyệt vời, chắc chắn bạn cũng biết điều đó”.
Đó là những gì mà ứng dụng trợ lý ảo Google Now đã nói, khi biết rằng cha của Barney13 đã mất tại Nice, Pháp vào năm 2010.
tri-tue-nhan-tao-2
Chia sẻ sự cảm thông và nỗi buồn là điều mà chỉ có con người mới làm được.
Barney13 cho biết: “Tôi rất buồn, cũng rất ngạc nhiên, ứng dụng này đã gợi lại cho tôi những kỷ niệm cũ. Thật là một khoảnh đáng yêu, khi có một giọng nói robot thể hiện sự đồng cảm với bạn”.
Anh cũng giải thích: “Hóa ra cô ấy đã đọc được một đoạn trích từ Gmail của một người bạn gửi cho tôi, chia sẻ nỗi buồn với gia đình sau khi cha tôi mất. Tuy nhiên cô ấy có thể nói được những lời chia sẻ đó thì quả thực là rất ấn tượng”.
Những gì mà trợ lý ảo này làm được thực sự là đáng kinh ngạc, nó không chỉ có thể tìm kiếm thông tin mà còn có thể biết cách sử dụng và phản ứng đúng đắn với các thông tin đó. Như trong trường hợp này, nó đã nói những lời chia buồn thay vì chỉ đơn giản là đưa ra những bức ảnh được chụp tại Pháp, mà trong đó có thể có cả những bức ảnh anh chụp cùng cha của mình.
Khác với tính năng gợi nhớ lại các kỷ niệm cũ của Facebook, chỉ là lảng tránh những kỷ niệm buồn. Đôi khi chúng ta không cần phải tránh né chúng, đó không phải là những gì cần phải quên lãng, chỉ là chúng ta cần phải nhắc đến chúng theo một cách hợp lý nhất.
Tuần trước, Microsoft cũng đã ra mắt một con chatbot có khả năng tự học tập dựa trên phản hồi của người dùng mạng xã hội Twitter. Tuy nhiên những gì mà chatbot này học được chỉ là sự căm hận, thù ghét và phân biệt chủng tộc.
Bằng cách dạy cho những cỗ máy này những điều đúng đắn, chúng hoàn toàn có thể trở thành bạn của con người, một phần trong xã hội và là trợ thủ đắc lực trong nhiều công việc. Thay vì trở thành mối đe dọa cho nhân loại.