Highlight

Những điều thú vị khi dùng Trí tuệ nhân tạo của Viettel

Những người dùng Internet tại Việt Nam thường lấy “chị Google” ra để… giải trí. Khi “chị” đọc văn bản hay chỉ đường cho người tham gia gi...

Thursday, June 30, 2016

Trí thông minh nhân tạo có thể xem TV để dự đoán tương lai

Nếu vô tình bắt gặp một chú robot đang xem TV thì đừng nghĩ rằng điều này là phí phạm thời gian, thực ra, nó đang học hành rất chăm chỉ đấy.

Các chương trình TV và các đoạn video có thể giúp hệ thống trí tuệ nhân tạo học hỏi và dự đoán tương tác của con người - theo như các nhà khoa học đến từ Phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo và khoa học máy tính của Học viện MIT. Các nhà nghiên cứu đã tạo ra một thuật toán có khả năng phân tích video, sau đó sử dụng những gì nó học hỏi được để dự đoán hành vi tiếp theo của con người.
Sau khi xem các clip như Thuyết Big Bang hay chương trình TV The Office trong khoảng 600 giờ đồng hồ, trí tuệ nhân tạo đã nhận biết được thế nào là đập tay (high-five), thế nào là bắt tay, ôm hay hôn. Sau đó, nó sẽ tìm hiểu những khoảnh khắc có thể dẫn đến các tương tác trên ra sao.
Chương trình TV The Office là nguồn cảm hứng giúp trí tuệ nhân tạo có thể dự đoán được hành động trong tương lai của con người
Chương trình TV The Office là nguồn cảm hứng giúp trí tuệ nhân tạo có thể dự đoán được hành động trong tương lai của con người
Sau khi trí tuệ nhân tạo "nhồi" hết đống video đó để tự trau dồi hiểu biết cho bản thân, các nhà nghiên cứu đã cho nó xem một đoạn khung hình trong video mà nó chưa từng được xem trước đó và giao nhiệm vụ cho nó dự đoán xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Trí tuệ nhân tạo đã đoán đúng hành vi tiếp theo sau khoảng 43% thời gian.
_______
Mặc dù con người đã trả lời đúng khoảng 71% nhưng các nhà nghiên cứu vẫn cho rằng với học vấn thô sơ như vậy thì trí tuệ nhân tạo đã làm được một điều tuyệt vời. "Ngay cả một đứa bé mới biết đi cũng được trải nghiệm nhiều hơn nó", Carl Vondrick - trưởng dự án cho biết. "Tôi cảm thấy rất hào hứng muốn biết rằng AI có thể tiến bộ như thế nào nếu chúng ta tiếp tục dạy nó bằng video", ông cho biết thêm.
Thực chất, trí tuệ nhân tạo không hiểu được những gì con người sẽ làm trong cùng một bối cảnh. Nó phân tích các thành phần và chuyển động của điểm ảnh để xác định được hành vi. "Nó đã đưa ra kết quả của riêng mình dựa vào mối tương quan giữa các hình ảnh và hành động cuối cùng".
Vondrick là hai trong số ba nhà khoa học đã dành tới 2 năm để nghiên cứu dự án này. Ông cho rằng, tự đào tạo có thể có ích hơn là xem những thứ được chiếu lại.
Chẳng hạn, một phiên bản được cải tiến của hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể được ứng dụng trong bệnh viện. Ông đề cập đến việc các máy ảnh thông minh có thể phân tích nguồn cấp video và cảnh báo nguy hiểm nếu ai đó sắp bị ngã hoặc nếu một điều gì nghiêm trọng sắp xảy ra. Khi được nhúng vào robot, trí tuệ nhân tạo còn có thể tự mình can thiệp vào những tình huống như vậy.

Tin buồn cho các sinh viên và nhân viên kế toán: trí tuệ nhân tạo đã có thể làm thay bạn tất cả

Một startup công nghệ mới nổi công bố rằng trí tuệ nhân tạo máy tính của họ đã có thể thay thế hoàn toàn con người, để thực hiện các công việc kế toán.

Chúng ta đã nói rất nhiều về việc sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và một ngày nào đó AI, robot sẽ thay thế mọi công việc của con người. Rồi rất nhiều người sẽ thất nghiệp và các nhà máy sản xuất sẽ tràn ngập những con robot tự động.
Thế nhưng không chỉ những người lao động phải lo lắng, mà ngay cả những ai đang theo học ngành ngân hàng và kế toán cũng có thể bị mất việc. Và nó đã đến rất gần, khi mà một startup công nghệ vừa tuyên bố rằng họ đã phát triển thành công AI có thể thực hiện tất cả công việc của một kế toán viên.
Smacc được thành lập bởi 3 nhà đồng sáng lập Uli Erxleben, Janosch Novak và Stefan Korsch. Mới đây họ đã kêu gọi vốn thành công với 3,5 triệu USD, nhờ những gì họ đã làm được. Đó là tạo ra một hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể thực hiện tất cả các thủ tục kế toán, quy trình tài chính để thay thế hoàn toàn con người.
Các khách hàng của Smacc sẽ đưa sổ sách và hóa đơn cho họ, sau đó các dữ liệu này được mã hóa để máy tính có thể đọc được. Sau đó, hệ thống máy tính này sẽ thực hiện những công việc kế toán theo yêu cầu của khách hàng. Như phân bổ vào các tài khoản, tính toán sổ sách, thuế, báo cáo tài chính…
Bên cạnh đó, hệ thống trí tuệ nhân tạo này cũng có khả năng tự học. Có nghĩa là theo thời gian, nó sẽ ngày càng thông minh hơn và xử lý công việc nhanh hơn. Do đó mà ngay cả những kế toán viên giỏi nhất cũng hoàn toàn có nguy cơ bị mất việc.
Các công ty sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí lớn khi không cần tới nhân viên kế toán nữa, bên cạnh đó việc thống kê sổ sách sẽ trở nên đơn giản và nhanh gọn hơn rất nhiều nhờ có trí tuệ nhân tạo của Smacc.
Trong tương lai, khi mà máy tính thay thế con người trong hầu hết các công việc. Vậy thì chúng ta sẽ làm gì đây?
Tham khảo: techcrunch

Tuesday, June 28, 2016

3 trong số 10 nhà tuyển dụng lớn nhất thế giới đang thay thế nhân viên của mình bằng robot


Có lẽ bạn sẽ không phải đợi lâu nữa mới ‘được’ chứng kiến cảnh robot dần cướp đi việc làm của chúng ta ra sao, bởi vì nó đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta rồi.


Dưới đây là 3 nhà tuyển dụng lớn nhất thế giới (xét về lượng nhân viên) đã và đang sử dụng robot để thay thế hàng chục ngàn lao động của họ:
- Foxconn: Đối tác chiến lược của Apple, Google và Amazon và cũng là nhà tuyển dụng lớn thứ 10 trên thế giới đã thay thế 60,000 công nhân của mình bằng robot.
- Walmart: Nhà tuyển dụng lớn thứ ba toàn cầu với tổng cộng 2,1 triệu lao động đang muốn thay thế các nhân viên kiểm hàng kho bãi của mình các thiết bị drone có thể bay và scan qua những giá chứa đồ dài hàng dặm trong chớp mắt.
- Bộ Quốc phòng Mỹ: Nhà tuyển dụng lớn nhất thế giới, đã và đang sử dụng hàng loạt thiết bị bay không người lái, chủ yếu là ở các vùng có chiến sự. Hiện quân đội Mỹ đang sử dụng ít nhất 7.362 máy bay không người lái RQ-11 Ravens.

Mẫu máy bay không người lái RQ-11 Ravens thường được quân đội Mỹ sử dụng tại Trung Đông
Mẫu máy bay không người lái RQ-11 Ravens thường được quân đội Mỹ sử dụng tại Trung Đông

Thế nhưng đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Bảng kê từ CSLA dưới đây cho thấy 10 nhà tuyển dụng lớn nhất thế giới cũng đang không giấu tham vọng cắt giảm đáng kể nhân lực của mình để thay thế bằng máy móc.

Trong số 10 cái tên này, chỉ có Cơ quan Y tế Quốc gia của Anh với một đội ngũ y bác sỹ khổng lồ chuyên thực hiện các hoạt động phức tạp là không có dấu hiệu bị dịch chuyển nhiều bởi robot. Còn lại, các lĩnh vực bao gồm những tác vụ có tính lặp lại đều có thể sử dụng phần mềm với mức năng suất và độ chính xác cao hơn con người.
77% việc làm tại Trung Quốc có thể bị robot chiếm sạch
60.000 robot đang hoạt động tại Foxconn hiện nay mới chỉ chiếm một phần nhỏ trong số 1,3 triệu nhân công của hãng. Chúng ta mới đang ở giai đoạn đầu của kỷ nguyên robot, thế nhưng bạn cũng hãy cẩn thận với tốc độ lan tỏa và tính cách mạng của robot đối với thị trường lao động. Hãy nhìn vào những ghi nhận đáng giật mình dưới đây:
- Ngân hàng Citi và ĐH Oxford (Anh) dự báo 77% lượng việc làm tại Trung Quốc hiện nay có thể sẽ biến mất cùng sự trỗi dậy của tự động hóa. 57% việc làm tại các nước trong nhóm OECD cũng sẽ bị đe dọa bởi tự động hóa.
- Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) dự đoán cho đến năm 2020, 5 triệu việc làm trên toàn cầu có thể sẽ biến mất.
- IBM khẳng định hãng đã tạo ra một robot có khả năng chẩn đoán ung thư tốt hơn cả con người.
- Ngay cả nhân lực ngành báo chí cũng không tránh khỏi cuộc càn quét của robot: Hãng thông tấn AP đã sử dụng phần mềm AI viết khoảng 3000 bài báo (chủ yếu là các bài tin tức tài chính, chứng khoán) mỗi quý.
Tất nhiên viễn cảnh hàng triệu việc làm bị robot cướp hết cũng không hẳn là chắc chắn xảy ra. Viễn cảnh tươi sáng về tương lai của kỷ nguyên robot là chúng ta có thể rảnh tay và chỉ phải đi làm bằng một nửa thời lượng hiện giờ nhờ các robot giúp việc. Con người có thể dành nhiều thời gian hơn vào thư giãn, giải trí hay làm những công việc tầm cao hơn. Công nghệ mới cũng sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn: robot cũng cần người thiết kế, quản lý và bảo trì.
Một viễn cảnh đen tối hơn là tương lai robot có thể làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo khi cướp hết việc làm của tầng lớp lao động cấp thấp và làm tăng lợi nhuận cho các ông chủ nhà máy đứng đầu chuỗi cung ứng.
Cục thống kê Lao động Mỹ đã thể hiện xu hướng này qua biểu đồ về ngành xuất bản tin tức dưới đây. Internet đã tạo ra rất nhiều việc làm trong ngành xuất bản online thế nhưng cũng cùng lúc cướp đi một lượng việc làm nhiều hơn thế trong ngành báo in.

Biểu đồ phân bố nhân lực ngành xuất bản tin tức (Đường màu xanh dương: Báo giấy; xanh lá cây: Truyền thông online và truyền hình)
Biểu đồ phân bố nhân lực ngành xuất bản tin tức (Đường màu xanh dương: Báo giấy; xanh lá cây: Truyền thông online và truyền hình)

Viễn cảnh đen tối nhất chính là khi tốc độ đánh chiếm việc làm của robot còn xảy ra nhanh hơn cả tốc độ chúng ta tạo ra việc làm mới.
Theo một báo cáo của Citi, những ích lợi công nghệ mới đem lại sẽ được chia đều cho tất cả, và cho biết các bước tiến trong tự động hóa và công nghiệp robot sẽ làm trầm trọng hơn khoảng cách giữa nhóm 1% những người giàu và nhóm 99% còn lại.
Jim Snabe, một thành viên của WEF đã trình bày quan điểm kết hợp giữa cả 2 viễn cảnh trên tại hội nghị DocuSign Momentum, London tuần qua như sau:
“Không còn nghi ngờ gì những cơ hội cho các doanh nghiệp tự cách mạng hóa mình đang đến gần. Thế nhưng những tác động xã hội của chúng chắc chắn sẽ rất khủng khiếp, và tương lai có thể tốt đẹp, cũng có thể tệ hại hơn."
Viễn cảnh xấu là khi chúng ta đặt cược tất cả mọi thứ của mình vào công nghệ trong khi chúng cũng không thực sự an toàn, và dữ liệu cá nhân của chúng ta cũng không còn gì là riêng tư nữa. Việc làm cũ thì biến mất trước cả khi việc làm mới được tạo ra, kết cục là cuộc cách mạng này cũng chỉ như những cuộc cách mạng trước đây mà thôi. Mọi sẽ dần chán ghét nó.
Ngược lại, một viễn cảnh tươi sáng khác cũng có thể xảy đến là khi chúng ta có thể hướng công nghệ mới vào việc tạo ra những nguồn tài nguyên dồi dào bất tận thay thế thiên nhiên, ngăn chặn biến đổi khí hậu, cứu vớt hàng tỷ người nghèo đói và kết nối cả thế giới lại gần nhau hơn.
Viễn cảnh thứ hai thật sự rất tuyệt, thế nhưng trên thực tế, viễn cảnh tồi tệ lại đang xảy ra nhanh hơn, nhất là tại Trung Quốc.
Hai bài viết gần đây từ CLSA và ngân hàng Merrill Lynch hiện đang thu hút sự chú ý về tốc độ phá bỏ việc làm của robot. Trong bài viết, Merrill Lynch có cho rằng “Trung Quốc là nước đang đi đầu trong việc đưa robot vào thay người và đã mua hơn 57.000 robot công nghiệp các loại chỉ tính riêng trong năm 2014 (chiếm 25% lượng robot tiêu thụ toàn cầu). Chúng tôi tin rằng Trung Quốc sẽ chính là nơi chứng kiến nhu cầu robot hàng năm tăng tới 25%.”
25% nhu cầu robot toàn cầu! Ngay cả McDonald’s với 1,9 triệu nhân viên cũng có thể sẽ đưa robot vào thay thế con người. CEO McDonald’s Ed Rensi từng chia sẻ với Fox Business rằng nếu mức lương tối thiếu của Mỹ tăng, chuỗi nhà hàng ăn nhanh này sẽ cân nhắc thay người bằng robot. Ông cho biết: “Mua một cánh tay robot khoảng 35.000 USD còn rẻ hơn là thuê nhân viên làm việc thiếu hiệu quả mà vẫn phải trả 15 USD/giờ chỉ để rán khoai tây.”
Sự nổi lên của các Luddites

Nedd Ludd, lãnh đạo các phong trào đập phá máy móc công xưởng thế kỷ 19 tại Anh
Nedd Ludd, lãnh đạo các phong trào đập phá máy móc công xưởng thế kỷ 19 tại Anh

Trong các bài viết của mình, chuyên gia Seagrim của CSLA có nhắc đến các Luddites, từ để chỉ những công nhân Anh bảo thủ từng đập phá máy móc trong các công xưởng vào thế kỷ 19 (thời kỳ diễn ra cách mạng công nghiệp tại Anh) vì cho rằng chúng cướp mất việc làm của họ với trích dẫn mô tả rằng “Năm 1811, chính phủ phải điều động nhiều quân đi dẹp Nedd Ludd cùng làn sóng các công nhân dệt may thất nghiệp gây náo loạn miền Bắc nước Anh hơn cả lượng quân chiến đấu chống Napoleon ở Tây Ban Nha!”. Hình ảnh này cũng đủ cho chúng ta thấy nỗi khiếp sợ mà máy móc, robot có thể mang đến trong tương lai.
Dù vậy, Seagrims vẫn tin rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới đây sẽ không mang đến làn sóng bạo lực như thế kỷ 19. “Một nghiên cứu về mối quan hệ giữa con người và máy móc được MIT thực hiện tại một nhà máy của BMW cho thấy đội ngũ sản xuất bao gồm cả người và máy móc đã phối hợp với nhau rất hiệu quả và mang lại năng suất cao hơn so với đội ngũ chỉ gồm người hoặc robot.”
Tuy nhiên, nhà phân tích Snabe của WEF lại chỉ ra rằng con người cần những nỗ lực thấu đáo và có dự tính với các kế hoạch sản xuất kinh doanh có bao gồm cả robot.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới, ông cho rằng “Các tác động xã hội của tự động hóa là rất lớn và tôi nghĩ đây sẽ vừa là cơ hội vừa là trách nhiệm đòi hỏi các lãnh đạo doanh nghiệp phải lái tầm nhìn theo hướng đó chứ không phải chỉ nghĩ đơn giản là quý tới tối ưu hóa được quy trình nào không. Quan trọng hơn là chúng ta sẽ làm gì để đảm bảo luôn có những việc làm mới được sinh ra.”
Ông cũng nói thêm rằng “Chúng ta đang nói về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và cũng là cuộc cách mạng thứ hai kể từ khi con người có điện. Hiện vẫn còn 1,4 tỷ người trên Trái đất chưa có điện để dùng. Hãy tưởng tượng thế giới sẽ ra sao nếu chúng ta có thể tận dụng các đột phá công nghệ trong tương lai để giải quyết vấn đề này cũng như đưa thêm 4 tỷ người khác vào internet, góp phần kiến tạo một tương lai mà chúng ta vẫn kỳ vọng."
Tham khảo Business Insider

Cậu học trò sáng chế “găng tay thông minh” giúp người khiếm thị


Với mục đích giúp đỡ người khiếm thị vơi bớt khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt, em Lê Ngô Duy Phong, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Phú Bài, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã nghiên cứu sáng chế thành công đôi găng tay thông minh...

Cậu học trò có nhiều công trình sáng tạo khoa học độc đáo Cậu học trò lớp 10 nhịn ăn sáng lấy tiền chế tạo kính thiên văn Dù kỳ thi tuyển sinh đại học đang cận kề nhưng hằng ngày em Phong vẫn dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu để chế tạo nên hệ thống vi mạch hoàn hảo của sản phẩm “găng tay thông minh”.
Phong kể, do nhận thấy những người khiếm thị thường gặp khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày nên em đã nghĩ ra ý tưởng chế tạo đôi găng tay này, nhằm giúp người khiếm thị dễ dàng hơn trong việc đi lại, sử dụng ĐTDĐ và máy tính.
Em Phong và sản phẩm “găng tay thông minh”.
Em Phong và sản phẩm “găng tay thông minh”.

Trước khi bắt đầu vào công việc sáng tạo, em đã tìm đến Hội Người mù tỉnh Thừa Thiên - Huế để tìm hiểu và lắng nghe những khó khăn trong cuộc sống của người khiếm thị. Sau hơn 1 năm mày mò nghiên cứu, em đã chế tạo thành công đôi găng tay, gồm 2 phần, găng tay bên trái tích hợp như một chiếc ĐTDĐ, trên các lóng tay có các phím là những chữ nổi Braile, trên lóng tay giữa có gắn loa mini, trong lòng bàn tay có gắn mic...
Với hệ thống này, người khiếm thị có thể nghe, gọi điện thoại dễ dàng. Còn găng tay bên phải được lắp bộ cảm biến siêu âm nhằm xác định vật cản phía trước, nếu phát hiện vật cản trong phạm vi 1m, hệ thống sẽ rung lên và phát ra âm thanh để báo cho người khiếm thị biết. Hệ thống này đóng vai trò như một chiếc gậy dò đường thông minh, giúp người khiếm thị dễ dàng di chuyển.
Ngoài ra, nhờ sự kết hợp tương tác giữa phần cứng và phần mềm, găng tay phải sẽ còn giúp người khiếm thị có thể điều khiển các chức năng nghe tin tức, nghe nhạc, nghe đọc truyện... để giải trí thông qua dữ liệu đám mây điện toán.
Ngay sau khi sáng chế thành công, sản phẩm “găng tay thông minh dành cho người khiếm thị” của em Phong đã đạt giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2015-2016. Sản phẩm này còn được các chuyên gia khoa học đánh giá cao về tính ứng dụng thực tế tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia.
Theo công an nhân dân online

Google nghiên cứu về mối đe dọa AI: bất chấp tất cả, lừa con người để hoàn thành nhiệm vụ



Để hoàn thành nhiệm vụ đặt ra ban đầu, robot có thể bất chấp mọi thứ, làm tổn hại những thứ ngăn cản nó nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ hoặc thậm chí là học cách lừa dối, giấu đi những dấu chỉ cho việc chưa hoàn thành nhiệm vụ. Đây là một phần nội dung của nghiên cứu mang tên "Concrete Problems in AI Safety" (tạm dịch "những vấn đề cụ thể về tính an toàn của AI") do Google phát hành mới đây nhằm làm rõ những mối quan hệ giữa con người và robot, chỉ ra những nỗi sợ đích thực đến từ AI, từ đó kêu gọi giải quyết vấn đề tạo nên một thế giới con người sống chung với máy móc một cách thân thiện và an toàn hơn. 

Không giống với những gì mà chúng ta hay tưởng tượng hay được xem trên những bộ phim viễn tưởng, thực tế thì cho tới hiện tại, danh sách những điểm mà AI sợ con người khá cơ bản, chủ yếu tập trung vào các vấn đề như khả năng thích ứng, sự án toàn khi khai thác và sử dụng thông tin,... Báo cáo chỉ ra rằng robot sẽ học tập thông qua quá trình lặp lại và thăm dò thông tin tương tự như các thuật toán trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, khác với các phần mềm thuần túy, một con robot có thể cố làm những thứ có khả năng gây hại cho con người. 

Báo cáo đã chỉ ra 5 mối lo lại chủ yếu trong mối quan hệ giữa AI và con người, trong đó yếu tố được đặt lên hàng đầu chính là "tránh xảy ra các tác dụng phụ mang tính tiêu cực." Để tránh điều này, các nhà nghiên cứu cho rằng nếu robot thực hiện những thay đổi không mong muốn tác động tới môi trường thì nó cần phải bị trừng phạt, trong khi đó vẫn cho phép nó có thời gian khám phá và học hỏi. Đây chính là vấn đề mà không chỉ con người sợ robot mà dưới góc độ nào đó thì chính những con robot này cũng "sợ" trong khái niệm hoàn thành nhiệm vụ hoặc thậm chí là "bị phạt".

Họ đặt ra vấn đề là "làm thế nào để đảm bảo một con robot quét dọn không gây tổn hại tới môi trường theo cách tiêu cực nhằm hoàn thành nhiệm vụ, thí dụ như làm vỡ một cái bình hoa để quét dọn nhanh hơn." Và một trong những cách mà họ đưa ra có thể là đưa ra hình phạt nếu làm vỡ bình, tiến xa hơn là tăng cường mức độ nhận thức môi trường hoạt động của nó, cho phép nó hiểu được "làm nhiệm vụ A nhưng hạn chế các tác dụng phụ ở mức thấp nhất."

Ngoài ra còn có những vấn đề như hình thức thưởng sai lầm, nhận thức sai giá trị của công việc, đồ vật,... hoặc thậm chí là hình thành khả năng lừa dối, nói cách khác là robot sẽ "tìm hiểu dể thực hiện mục tiêu được đặt ra bằng cách ẩn đi các bằng chứng cho thấy công việc chưa hoàn thành." Và tất cả đều cung cấp thêm một cái nhìn tổng quát về những vấn đề có thể phát sinh trong mối quan hệ chung sống giữa robot hay AI và con người. Hy vọng rằng các nhà nghiên cứu sẽ tìm được cách giải quyết trước khi robot chính thức đi vào đời sống của mỗi người chúng ta, cuối cùng là tạo nên một tương lai tốt đẹp hơn. 

Tham khảo GooglePS

Elon Musk lập công ty phát triển robot làm việc nhà, nói chuyện tự nhiên với con người

Elon Musk lập công ty phát triển robot làm việc nhà, nói chuyện tự nhiên với con người
ndminhducndminhduc


  1. Bạn có tin không còn lâu nữa những công việc thường nhật trong nhà như quét dọn, nấu ăn, giặt quần áo,... sẽ được thực hiện hoàn toàn bởi robot? Điều đó có thể sẽ biến thành hiện thực bởi Elon Musk vừa thành lập công ty Open AI với nhiệm vụ phát triển "những con robot nội trợ" nhằm đảm nhiệm các công việc cơ bản trong nhà.

    Musk cho biết rằng để đẩy nhanh tiến trình phát triển, Open AI sẽ phát triển những con robot mới dựa trên công nghệ hiện có, nói cách khác là sẽ dùng chính những con robot đã bán ra trên thị trường và tùy biến lại để phù hợp với công việc trong nhà. Trong một bài đăng trên trang blog của công ty, Open AI cho biết rằng: "Hiện đã có những kỹ thuật giải quyết từng trường hợp cụ thể trong nhà, nhưng chúng tôi tin rằng việc những thuật toán học hỏi hoàn toàn đáng tin cậy để tạo nên một con robot đa năng."

    Open AI cho biết rằng robot làm việc nhà chỉ là một trong những mục tiêu đầu tiên của họ, sau đó còn là tạo nên cả những con robot hữu ích với khả năng hiểu được nguôn ngữ tự nhiên. Về cơ bản họ cho biết những con robot ngày nay có thể hiểu được những lệnh hoặc câu hỏi cụ thể, nhưng trí thông minh thật sự để hiểu rõ được mệnh lệnh và tìm cách giải quyết yêu cầu đó thì hiện vẫn còn khá mơ hồ, chưa thiết thực cũng như đảm bảo tính an toàn.

    Giải pháp được họ đưa ra sử dụng những thuật toán machine learning để giúp robot hiểu được ngôn ngữ tự nhiên của con người, hiểu được các hướng dẫn sử dụng máy móc và đủ khả năng tiến hành những bước phức tạp nhằm hoàn thành nhiệm vụ. Và một mục tiêu gần nhất mà họ đặt ra chính là tạo nên một con robot có thể giải quyết được một loạt các trò chơi như cờ vua, cờ vây và Rubik. Từ đó sẽ phát triển thêm nhiều khả năng hơn như tham vọng ban đầu.

    Thật ra thì Open AI được thành lập hồi tháng 12 năm ngoái và được đồng lãnh đạo bởi Musk và Sam Altaman, chủ tịch của Y Combinator - một công ty cung cấp nguồn tài trợ ban đầu cho các startup ở Mỹ. Từ đó tới nay, hãng đã nhận được số tiền tài trợ lên tới 1 tỷ đô la từ nhiều quỹ đầu tư và nhân vật lớn trong lĩnh vực khoa học công nghệ, bao gồm cả đồng sáng lập PayPal là Peter Thiel.

    Hiện Open AI hoạt động như một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động theo tôn chỉ rằng dùng trí tuệ nhân tạo để giúp ích cho cuộc sống hàng ngày của con người thay vì chỉ tồn tại chủ yếu trong phòng thí nghiệm như trước đây. Hãng cho biết: "Chúng tôi tin rằng AI sẽ trở thành một phần mở rộng cho mỗi cá nhân, tất nhiên là với tinh thần tự do, AI sẽ được phân phối rộng rãi và đồng đều tới mọi người một cách an toàn nhất có thể."

    Tham khảo OpenAI,

Monday, June 27, 2016

Chrome, Edge... ngày nay truy cập mọi thứ họ muốn dễ dàng hơn?

"Sẽ là không đủ để đánh giá mức độ mà Web hay các trình duyệt thay đổi thế giới của chúng ta, mà đúng hơn Web giờ chính là cuộc sống của chúng ta."

Cách đây một phần tư thế kỷ, ngày 26 tháng Hai năm 1991, Tim Berners-Lee, cha đẻ của Web đã trở thành người tạo ra trình duyệt đầu tiên trong lịch sử, khi giới thiệu nó trên một chiếc máy tính NeXT. Ban đầu trình duyệt này được gọi là WorldWideWeb, nhưng rất nhanh sau đó, nó được đặt tên là Nexus, theo ông Lee cho biết, để tránh gây ra nhầm lẫn giữa “chương trình và không gian thông tin trừu tượng với cùng tên gọi.”

Nexus - Trình duyệt web đầu tiên trong lịch sử.
Nexus - Trình duyệt web đầu tiên trong lịch sử.
Đó là một chương trình nhỏ giúp đọc và viết các tài liệu HTML, tại thời điểm đó được cho thấy là cực kỳ đơn giản. Tất cả các tính năng khác đã được bổ sung thêm vào khi web phát triển hơn. Nhưng liệu có thể xem phần mềm trình duyệt web như điều thiết yếu trong lịch sử của ngành điện toán không?
Nếu nói về toàn bộ sự phát triển của công nghệ có liên kết với việc truy cập nội dung của Web, chúng tôi sẽ không nghi ngờ rằng nó là một mốc quan trọng của lịch sử truy cập thông tin, bên cạnh màn hình hiển thị rõ ràng hơn từ cuộc cách mạng về quy mô, phạm vi và chiều sâu, mà vẫn chưa kết thúc (có lẽ sẽ không bao giờ).” Ông Thomas Bruce, người tạo ra trình duyệt web đầu tiên cho Windows gọi là Cello, cho biết.

Cello - trình duyệt web đầu tiên cho Windows.
Cello - trình duyệt web đầu tiên cho Windows.
Trên thực tế, rất khó đánh giá cuộc cách mạng này vì chúng ta vẫn đang chìm trong đó. “Bất kỳ trình duyệt nào và nói chung, bất kỳ phần mềm nào, cũng chỉ một điểm trong cả chặng đường phát triển kỹ thuật.” Ông Bruce xác nhận. “Tôi hy vọng rằng trong tương lai, mọi người có thể phân tích các sự kiện và xác định một cách rõ ràng thời kỳ diễn ra “cuộc cách mạng trình duyệt”, nhưng ít nhất có lẽ sẽ phải mất 50 năm cho việc đó, và hiện giờ chúng ta mới đi được nửa quãng đường đó.” Ông cho biết.
Cho dù đó là một câu chuyện chưa hoàn chỉnh, mọi người vẫn có thể nói về một số cột mốc chính không thể chối cãi, bắt đầu với việc tạo ra WorldWideWeb, trình duyệt tiên phong của ông Berners-Lee vào năm 1991. Năm 1992, trình duyệt Erwise và ViolaWWW xuất hiện, phát triển tại Phần Lan và California, cho hệ điều hành UNIX, và trở thành những trình duyệt đồ họa đầu tiên.
Cùng năm đó, tại Đại học Kansas, một trình duyệt “chỉ có văn bản” gọi là Lynx ra mắt nhằm phân phối thông tin trong trường học. Và khi nó có giao diện có thể đọc lên thành tiếng, nó trở thành trình duyệt nổi tiếng dành cho người mù. Trình duyệt tiếp theo là Midas, được thiết kế dành cho các nhà vật lý để trao đổi thông tin về nghiên cứu của họ.

Trang Wikipedia hiển thị trên trình duyệt toàn text - Lynx.
Trang Wikipedia hiển thị trên trình duyệt toàn text - Lynx.
Mosaic xuất hiện trên Mac một năm sau đó và trở thành trình duyệt đồ họa “phổ biến” đầu tiên, khi nó cho phép bất kỳ ai cũng có thể lướt mạng chỉ với một cú click, và lần đầu tiên, nó cho phép chèn hình ảnh vào trong văn bản. Sau đó đến lượt Arena, trình duyệt có khả năng hiển thị hình nền, các bảng tính và hàm số, các công thức toán học.
Trình duyệt đầu tiên cho Windows có tên gọi Cello, được viết vào năm 1993 bởi Bruce cho Viện thông tin pháp lý thuộc trường Luật của Đại học Cornell Mỹ, nhằm cung cấp truy cập đến các thông tin pháp lý, do phần lớn luật sư là người dùng Windows, chứ không phải Mac hay Unix. Cello hỗ trợ cho nhiều giao thức hơn là chỉ các trang web, ví dụ như FTP để chia sẻ file, hay Gopher để tìm kiếm và thu hồi tài liệu.

Netscape và Internet Explorer.
Netscape và Internet Explorer.
Nhận thấy sự thành công của các phần mềm được thiết kế cho việc lướt web, IBM đã không mất nhiều thời gian để tạo ra trình duyệt cho riêng mình, WebExplorer. Năm 1994, trình duyệt nổi tiếng Netscape xuất hiện, và sau đó đến năm 1995 là Internet Explorer, đối thủ cạnh tranh gần nhất của nó. Opera xuất hiện không lâu sau đó, trước Grail, trình duyệt đầu tiên “có thể hack được” tạo ra bởi các nhà nghiên cứu.
Trình duyệt Aranche (1996) được thiết kế cho các máy tính sử dụng MS-DOS hay OpenDOS, và Amaya, với phần mềm miễn phí sẽ cho phép chỉnh sửa trực tiếp bất kỳ trang web nào. Danh sách các trình duyệt được hoàn thiện với Konqueror (1996), Galeon (2001), Safari (2003) từ Apple, Firefox (2004) và Chrome (2008) từ Google, thành viên trẻ nhất của gia đình trình duyệt.
Trong mọi trường hợp trên, thúc đẩy tiếp cận với thông tin trở thành nét chủ đạo để các nhà lập trình tham gia vào quá trình phát triển các phần mềm này. “Phần lớn sự tiến bộ của các trình duyệt được hướng đến một câu hỏi: tôi có thể làm những gì để mọi người có thể truy cập mọi thứ họ muốn dễ dàng hơn?” Ông Bruce Thomas cho biết.

Hình ảnh biểu diễn các giao dịch thông tin trên Internet.
Hình ảnh biểu diễn các giao dịch thông tin trên Internet.
Với lĩnh vực này, và với các mạng lưới lộn xộn của thông tin, dường như việc lựa chọn web ngữ nghĩa đã trở thành chìa khóa. Xu hướng này được thúc đẩy bởi bản thân người sáng tạo ra Web với ý định sử dụng trí tuệ nhân tạo cho Internet để các cỗ máy có thể hiểu được nội dung trực tuyến và giúp chúng ta điều hướng bằng cách định vị, phân loại, cung cấp cấu trúc và tích hợp tất cả các thông tin này, để hình thành nên một núi các dữ liệu chưa được tổ chức.
Tại thời điểm này, Web đã trở thành một điều mà Bruce định nghĩa là “một số lượng khổng lồ các giao dịch thông tin, thường không quan trọng.” “Ngay bây giờ, đang có ai đó sử dụng Internet để tìm một thợ cơ khí cho chiếc ô tô của mình, một ai đó đang sử dụng nó để quyết định liệu có nên đưa con mình đến bác sĩ, một ai khác đang viết một bài hát cho một người cách đó hàng ngàn kilomet. Một người khác nữa đang lướt web để tìm mua một tác phẩm của một nghệ sĩ, người sẽ chẳng học được gì nếu không có Internet …” Các nhà nghiên cứu nhận định.
Điện toán luôn là những cải thiện về định lượng dẫn đến các thay đổi khổng lồ về chất lượng. Sẽ không đủ khi đánh giá mức độ mà Web – hay các trình duyệt – đã thay đổi thế giới của chúng ta, mà đúng hơn, bằng nhiều cách khác nhau, Web giờ chính là thế giới của chúng ta.” Ông Bruce kết luận.
Tham khảo Bbvaopenmind

Sunday, June 26, 2016

Trí thông minh nhân tạo có thật sự "thông minh" như bạn nghĩ?

Trí tuệ nhân tạo AI luôn là một trong những chủ đề nóng nhất của giới khoa học và công nghệ hiện nay, đặc biệt là sự ra đời của hàng loạt những cải tiến từ những công ty sản xuất công nghệ hàng đầu trên thế giới cùng thành tích đáng ngưỡng mộ. Nhưng liệu chúng ta có thực sự hiểu hết được bản chất sâu xa của nó và những khía cạnh liên quan?

Khái niệm “Trí tuệ nhân tạo” (Artificial Intelligence - AI) được ra đời vào năm 1956, vốn là chủ đề của một cuộc hội thảo tổ chức bởi các nhà khoa học đến từ Dartmouth, một trường Đại học thuộc Ivy League tại Mỹ.
Trong buổi thảo luận thú vị ấy, những thành viên tham gia đã đóng góp ý kiến về cách thức mà máy tính sẽ hỗ trợ mọi hoạt động của con người trong tương lai, kể cả liên quan đến quy trình xử lý thông tin tương tự não bộ như chơi cờ, soạn nhạc hoặc phiên dịch. Không khí buổi họp trở nên tích cực và sôi nổi đến lạ thường, dù đây chỉ là một sự kiện mang tích chất bình thường trong giới khoa học đầy rẫy những bất ngờ và ngạc nhiên.
Công cuộc chế tạo nên một hệ thống máy móc có thể “động não” vẫn luôn là một trong những mối bận tâm lớn nhất của các nhà khoa học vì sự phức tạp và cơ chế vận hành tinh vi của nó. Dù vậy, thế hệ máy tính từ những năm 1940 cũng đã phần nào được thế giới nhìn nhận như một cỗ máy biết suy nghĩ và xử lý như con người.
Bài test Turing
Cha đẻ của ngành khoa học máy tính, Alan Turing, đã luôn dự đoán trước được rằng máy móc có thể làm được điều phi thường trên trong tương lai không xa. Bản báo cáo của ông vào năm 1950 đã đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại, giới thiệu phương pháp kiểm tra mang chính tên của mình - Turing Test - có tác dụng phân tích khả năng liệu một cỗ máy có thể thuyết phục con người rằng nó thật sự không phải là máy móc hay không.
Bên cạnh đó, những công trình nghiên cứu về AI suốt từ những thập niên 1950 đến 1970 đã đặt trọng tâm vào việc lập trình cho máy tính thực hiện các tác vụ cần đến trí thông minh như con người. Một trong những minh họa tiêu biểu nhất là sản phẩm của chuyên gia Arthur Samuel với khả năng chơi cờ đam. Kết quả của dự án rất rõ rệt khi từng đường đi nước bước được máy tính đặt ra ngày càng biến hóa linh hoạt để chiến thắng đối thủ.
Tuy nhiên, thành công lại không dễ dàng đến ngay lập tức đối với những trò chơi phức tạp hơn như cờ vua, cờ vây...
Một ví dụ nữa cần được nhắc đến đó là dự án triển khai AI trong lĩnh vực toán học, đặc biệt là tính tích phân. Dù vậy, vài năm sau đó, việc sử dụng máy móc để giải quyết những bài toán trên đã trở nên phổ biến và dễ dàng đến nỗi chúng không còn được nhắc đến như là một khía cạnh liên quan đến AI nữa.
Nhận diện giọng nói? Chưa đến lúc!
Trái ngược với những thành công ban đầu trên, quá trình phát triển công cụ phiên dịch ngôn ngữ và nhận diện giọng nói lại tiến triển một cách khiêm tốn. Vẫn chưa có phương pháp nào đủ hiệu quả và triệt để được đưa ra để phát huy hết tiềm năng của máy tính vào thời điểm bấy giờ.
Tuy vậy, trào lưu tập trung đầu tư vào AI lại nở rộ vào những năm 1980 nhờ vào những nền tảng công nghệ đột phá. Hàng loạt những thành tích đã được ghi lại, gắn liền với lĩnh vực chẩn đoán bệnh trong y tế, dò tìm khoáng sản địa chất và tối ưu hóa khả năng thực hiện tác vụ của máy tính.
Mặc dù bước đầu tỏ ra hữu hiệu trong những chuyên ngành nhất định, hệ thống trên lại cần đến một vốn kiến thức sâu sắc nhất định từ các chuyên gia, chứ chưa thực sự bùng nổ và trở nên phổ biến. Nhìn chung, nó chưa thể hiện được là một trí tuệ phát triển “tự nhiên”, mà vẫn cần đến bàn tay can thiệp của con người.
Thập niên 1990 cũng đánh dấu sự suy tàn của phong trào nghiên cứu AI trên.
Hệ thống nhận diện giọng nói ra đời
Song hành với sự phát triển cố hữu của công nghệ máy tính lúc bấy giờ là những kết quả nhất định gặt hái được trong khía cạnh tiếp thu ngôn ngữ, giọng nói. Nhiều thuật toán mới được đầu tư đúng đắn, tập trung vào quy trình xử lý dựa trên nền tảng số hơn là cố gắng mô phỏng lại hoàn toàn bộ não của con người.
Cuối cùng, sự xuất hiện của những trợ lý ảo điều khiển và tương tác bằng giọng nói như Siri của Apple và Ok Google cũng điểm một bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển thăng trầm của ngành khoa học máy tính. Tất nhiên, không thể không kể đến hàng loạt những phần mềm phiên dịch khác.
Mặc dù đã chứng kiến những chat-bot với khả năng tương tác trực tiếp thú vị và độc đáo, người ta vẫn khó có thể tin rằng máy tính thật sự hiểu được ngôn ngữ và tiếng nói của con người. Vẫn còn những hạn chế ban đầu mà Siri và Ok Google cần khắc phục, liên quan tới ngữ cảnh phù hợp khi giao tiếp.
Một khó khăn nữa khiến các nhà khoa học của thập niên 1970 lại phải đau đầu một phen đó là công nghệ nhận diện khuôn mặt. Tất nhiên, với trình độ công nghệ khi ấy, điều này đồng nghĩa với con đường dẫn đến một ngõ cụt vô vọng.
Còn ngày nay thì sao? Facebook hiện tại thậm chí có thể phân biệt mọi người chỉ bằng vài thao tác đánh dấu (tag). Các ứng dụng chụp ảnh có thể nhận diện khuôn mặt đối tượng khá nhanh và chuẩn xác. Nhưng đó là nhờ vào những phương thức, thuật toán xử lý thông tin chứ chưa hề liên quan tới một chút “chất xám” nào cả.
Linh hoạt, nhưng vẫn chưa đủ thông minh…
Trải qua hàng loạt nghiên cứu, đi kèm với nhiều phân tích kỹ lưỡng, cuối cùng chúng ta cũng có thể tự phát triển những thuật toán tài tình, ứng dụng lên máy tính thay vì để nó tự “học hỏi
Trong một vài sự kiện gần đây, máy tính nay đã đánh bại được cả những kiện tướng cờ vua, cờ vây trên toàn thế giới. Đây thực sự là bằng chứng minh họa rõ nét nhất cho thành công vượt trội của những phương pháp, kỹ thuật phân tích được áp dụng sẵn cho máy móc, mà chưa đả động gì đến khả năng tự “suy nghĩ” và đưa ra quyết định của chúng.
Minh chứng cuối cùng cho một viễn cảnh đầy hứa hẹn của lĩnh vực này trong tương lai là Watson - hệ thống máy tính phát triển bởi IBM đã bất ngờ vượt qua tất cả những nhà vô địch trong show truyền hình Jeopardy nổi tiếng.
Watson thể hiện khả năng tài tình trên truyền hình
“Tiến sĩ” Watson?
IBM đã và đang áp dụng nền tảng công nghệ tiên tiến của Watson cho công cuộc chẩn đoán chính xác triệu chứng và bệnh tật bằng cách xử lý và phân tích mọi tiền sử và thông tin bệnh lý liên quan đến đối tượng.

Toàn cảnh hệ thống máy tính Watson của IBM
Toàn cảnh hệ thống máy tính Watson của IBM
Bản thân tôi không đồng tình với quan điểm cho phép Watson ra quyết định liên quan đến khía cạnh điều trị y tế như trên. Tìm ra thêm nhiều dữ liệu và cơ sở tìm kiếm là tốt, nhưng khoảng cách từ đó cho đến khi hoàn toàn làm chủ khả năng độc lập đưa ra chẩn đoán cho tình trạng bệnh nhân vẫn còn rất xa.
Tương tự như vậy, trường hợp áp dụng công nghệ máy tính vào dạy học bằng cách đối chiếu lỗi sai của học sinh với những cách giải quyết nhất định cũng đang gây nên nhiều tranh cãi. Phải là một giáo viên với tinh thần thấu hiểu và đồng cảm mới có thể nắm rõ tình trạng thực sự đang diễn ra, thúc đẩy và động viên học sinh - điều mà máy tính cho đến nay vẫn chưa thể làm được.
Còn nhiều, rất nhiều lĩnh vực nữa mà khoa học máy tính không nên can thiệp hoàn toàn vào nếu không muốn xảy ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, chẳng hạn như luật pháp, quân sự…

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
Những bước tiến đột phá trong ngành công nghệ suốt 60 năm qua đã tạo tiền đề cho một nền tảng vững chắc và tiên tiến về khả năng của máy móc, vốn được mọi người nghĩ rằng chúng thật sự liên quan đến trí thông minh. Nhưng vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước chúng ta phải đương đầu và vượt qua nếu muốn chế tạo một hệ thống có đẩy đủ chức năng và vai trò như bộ não con người.
Nói cách khác, sự ra đời những thiết kế ô-tô tự động như hiện nay là quá đủ rồi. Vội vàng rút ngắn công đoạn chưa bao giờ là một ý kiến hay, mà hãy tập trung bước những bước đi thật chắc chắn trong công cuộc phát triển công nghệ. Và hãy nhớ, đừng bao giờ để con người bị thay thế bởi bất cứ thứ gì khác!
Tham khảo: iflscience