Quyết định của Google khi chính thức bước chân vào lĩnh vực sản xuất thiết bị di động, song hành với thế mạnh phần cứng, phần mềm và hệ sinh thái lập trình của mình có lẽ là điều dễ dàng để dự đoán, vấn đề chỉ còn là thời gian sớm hay muộn mà thôi. Nhìn tổng thể, đó thật sự là một nước đi táo bạo, mang đến cả nhiều thách thức mới cho những tên tuổi có sẵn trong làng công nghệ.
Bên cạnh đó, công ty cũng khẳng định thế hệ sản phẩm mới nhất của họ, đặc biệt là bộ đôi thiết bị Pixel/Pixel XL và thiết bị loa thông minh Google Home, thuộc vào diện thiết bị mũi nhọn làm nền tảng phát triển cho những công nghệ được cho là chìa khóa dẫn đến tương lai toàn diện của công nghệ: Trí tuệ nhân tạo (AI).
Thiết kế của Google - Tiền đề trọng yếu của AI
Mọi công ty công nghệ hiện nay đều nhấn mạnh tầm quan trọng đến từ những lợi ích của AI, hay cụ thể hơn là những phương pháp “thổi hồn” trí tuệ vào trong những cỗ máy vô tri vô giác, thậm chí gán cho chúng cả những phản ứng mô phỏng cảm xúc thật của con người nhằm thúc đẩy khả năng tối ưu hóa công dụng của chúng trong cuộc sống.
Tuy vậy, Google lại tin rằng Google Assistant của họ lại có lợi thế và tiềm năng vượt trội hơn hẳn, kể cả khi cuộc đua chỉ mới bắt đầu, chưa ai dám nói trước điều gì. Do đó, để đảm bảo vị trí vững chắc của mình trên bảng xếp hạng chung, Google phải nắm trong tay toàn quyền kiểm soát thiết bị của riêng mình để tạo điều kiện tốt nhất cho kế hoạch phát triển của mình.
CEO của Google, Sundar Pichai, đã gọi AI là “một bước ngoặt cách mạng” trong lĩnh vực máy tính nói chung và thiết bị cá nhân – mạng lưới Internet nói riêng trong quãng đường 10 năm tiếp theo.“Từ quan điểm cá nhân, chúng ta hiện đang ở giai đoạn chuyển giao từ một thế giới thiết bị di động sang hệ sinh thái toàn diện của AI.”
Dù được trợ giúp mạnh mẽ của AI ở những bước đi đầu tiên nhưng động thái của Google trong việc tiến tới trở thành nhà sản xuất công nghệ quan trọng nhất vẫn là cả một thử thách to lớn trước mắt, nhưng cũng mang lại ưu điểm và lợi thế khổng lồ. Xét cho cùng, Google sẽ nắm trong tay cơ hội quý giá đứng ra giành lấy vị thế cao nhất của Apple trong khía cạnh tối ưu tích hợp và liên kết giữa các thiết bị lẫn nhau.
Những lợi ích mang lại là vô vàn, ngay cả khi chưa tính đến sự có mặt của AI trong đó. Thành tích này phải được trải rộng đều và toàn diện trên nhiều góc độ, từ thời lượng pin, tần suất cập nhật hệ thống và các tính năng mới thích hợp với thiết bị. Chẳng hạn, với mục đích thống trị thị trường công nghệ bằng hệ sinh thái hiệu quả của mình, Apple đã tạo ra những chiếc iPhone, iPad và máy tính Mac ngày càng có khả năng cao vượt trội hơn mà lại tiết kiệm chi phí và nhu cầu về thông số phần cứng. Đó là điều cốt yếu giải thích cho lý do tại sao trong khi Android đang chiếm thị phần rất cao về mảng hệ điều hành nhưng iPhone mới là mẫu điện thoại đi đầu trong xu thế và cả sức hấp dẫn cũng như lợi nhuận thu được.
Một ngày nào đó không xa tình hình đó có thể biến chuyển khác đi với kế hoạch tinh vi và sự vươn lên lớn mạnh của Google. Cũng vì thế, Apple không hẳn là cái tên duy nhất bị ảnh hưởng vì quyết định trên, Hãy cùng nhìn qua vài điểm mấu chốt tại sao bước đi của Google sẽ khiến các nhà sản xuất công nghệ lớn khác phải đau đầu.
Apple
Thương hiệu công nghệ đắt giá nhất thế giới cuối cùng cũng tìm được cho mình một đối thủ thực sự xứng tầm. Nhiều năm vừa qua, Apple không chỉ đương đầu với những tên tuổi lớn trong lĩnh vực sản xuất phần mềm (Microsoft và Google), những công ty phụ thuộc vào vỏ bọc phần cứng của các đối tác khác để phô diễn sức mạnh nền tảng của mình, và cả những nhãn hiệu phần cứng nổi tiếng (Dell, Samsung) – vốn lại tìm đến những phần mềm, hệ điều hành từ bên ngoài để tối ưu thiết bị. Trong cuộc chiến kéo dài suốt 15 năm vừa qua đó, Apple vẫn chứng tỏ được sức mạnh của mình. Nhưng giờ đây, khi phải đối đầu với một Google nắm trong tay khả năng hoàn thiện cả về phần cứng và phần mềm thì lại là cả một câu chuyện khác.
Apple đã lỡ vài nhịp trong công cuộc phát triển hệ thống AI của mình – Siri – khi vẫn bị cho là dính nhiều nhược điểm đáng tiếc dẫn đến giảm đáng kể sức hút trên thị trường. Mảng kinh doanh qua thị trường âm nhạc cũng vậy, quá chậm chân với streaming khi Spotify đã chiếm được hầu hết cảm tình của người dùng đến nỗi Apple Music đi sau chưa bao giờ trở thành một mối lo tương xứng cả. Một đặc điểm nữa cũng cần được nói đến, đó là tính năng AirPlay – cho phép truyền tải thông tin đa phương tiện từ thiết bị hiện tại lên TV hoặc loa – cũng chỉ nhận được sự thờ ơ lạnh lùng của cộng đồng khách hàng. Trong khi đó, nền tảng Google Cast lại nhận được nhiều sự hưởng ứng từ các đối tác khác, tích hợp sẵn trong TV và loa của những nhà sản xuất bên ngoài, đóng vai trò tối quan trọng song song với màn ra mắt loa Google Home.
Kể cả mảng lưu trữ dữ liệu cloud của Apple dành cho ảnh, nhạc tin nhắn và nhiều hình thức thông tin khác đồng bộ hóa giữa các thiết bị điện thoại, tablet, laptop và TV cũng đang dần bị lấn át bởi Google khi mà hãng mới đây đã giới thiệu loạt sản phẩm tích hợp đồng bộ trực tiếp cũng qua hệ thống lưu trữ mạnh mẽ của mình. Ngoài ra, sau khi xuất hiện một vài tin đồn rằng Apple đang ráo riết chuẩn bị cho một thiết bị loa AI của riêng mình, thì Google Home đã nhanh hơn một bước, là câu trả lời xứng đáng cho công ty công nghệ xứ Cupertino.
Tóm lại, với sự lột xác mạnh mẽ của Google, Apple chưa bao giờ rơi vào tình thế cạnh tranh gắt gao như vậy cả. Tất nhiên, điều đó không hoàn toàn đồng nghĩa với việc Apple sẽ thất bại thảm hại. Không ai có thể phủ nhận sự thành công cũng như sức hút và chất lượng sản phẩm của họ, thậm chí đối với cả Google: Thiết kế Google Pixel có khá nhiều nét tương đồng học tập từ iPhone, và khuôn viên văn phòng làm việc của Google cũng ngập tràn sự có mặt của máy tính Mac. Vẫn còn đó nhiều tiêu chuẩn phần cứng mà tất cả các hãng công nghệ khác phải học theo Apple, như sức mạnh của chip A10 trên thế hệ iPhone 7, đi cùng với cả một chuỗi các nguồn cung cấp linh kiện đa dạng là niềm mơ ước với nhiều thương hiệu khác. Hơn nữa, iPhone được bán bởi tất cả các nhà mạng, còn Pixel hiện nay mới chỉ có Verizon được quyền phân phối.
Dù sao thì Apple sẽ thực sự phải dè chừng bước tiến của Google trong cuộc cạnh tranh này trên nhiều khía cạnh. Người dùng vẫn sẽ được lợi, nhưng Apple thì lại hứng chịu một sức ép không nhỏ kể từ thời điểm này.
Samsung
Dường như một trong những lý do chính yếu nhất thúc đẩy Google tự tạo nên dấu ấn của mình là do trước đây họ đã quá phụ thuộc vào Samsung để thể hiện được hết tiềm năng của nền tảng Android do mình phát triển. Vẫn còn hàng tá những nhãn hiệu công nghệ di động khác bên cạnh Samsung đi theo gót chân Android của Google, nhưng chỉ có công ty công nghệ xứ kim chi là cái tên lý tưởng nhất khi nắm giữ trong tay thị phần khổng lồ trên toàn thế giới, giá trị lợi nhuận cao và một nguồn vốn đầu tư khổng lồ. Tuy nhiên, những ưu tiên hàng đầu của họ vẫn chưa thực sự theo sát đúng ý Google cho lắm.
Tính từ thời điểm này, Samsung sẽ phải cạnh tranh với chính nhà phân phối phần mềm cho mình trên thị trường smartphone nói chung, nơi mà trước đó chỉ có Apple là cái tên đáng lo ngại nhất đối với họ.
Đáng buồn thay, Samsung lại đang rơi vào tình cảnh không thể tồi tệ hơn khi dính líu đến hàng loạt sự cố nghiêm trọng liên quan đến chất lượng của Galaxy Note 7 suốt một tháng gần đây khi diễn ra các vụ cháy nổ pin khó tin. Quá trình thu hồi và đổi trả thiết bị đã khiến cho Samsung thiệt hại nghiêm trọng, và nay Google đang mang đến cho cộng đồng fan Android một giải pháp thay thế với cặp đôi Pixel của mình.
Ngoài ra, thiết bị thực tế ảo Daydream của Google, vốn được thiết kế tương thích hoàn toàn và hỗ trợ hiệu năng của Pixel, cũng xứng đáng là một đối thủ đáng gờm cho sản phẩm Gear VR của Samsung (nền tảng gốc đến từ Oculus của Facebook). Xét về nhiều mặt, Daydream có chi phí rẻ hơn, dễ dàng truy cập nhiều nội dung vì Google sở hữu YouTube, cũng như chính sách hào phóng của Google khi tặng kèm sản phẩm luôn cho những đơn đặt hàng sớm của Pixel trong thời gian giới hạn ban đầu.
Giống như Apple, Samsung không vì thế mà dẽ dàng bị loại ra khỏi cuộc chơi. Những tên tuổi flagship của họ vẫn đang nằm trong top thiết bị được ưa chuộng không chỉ vì thiết kế tinh tế bên ngoài mà còn cả hiệu năng ấn tượng, chưa kể đến việc Samsung còn sở hữu một hệ điều hành di động riêng có tên Tizen được cho là “kế hoạch dự phòng” nếu tình hình trở nên xấu hơn với Google.
Tất nhiên, không khó để dự đoán Tizen sẽ hiếm có cơ hội cạnh tranh trực tiếp với Android hay iOS. Vì vậy, đây vẫn là điều Samsung cần để tâm đến ngay từ bây giờ nếu không muốn tiếp tục chìm sâu vào vũng lầy.
Amazon
Không thể phủ nhận rằng Amazon thực sự đã làm rất tốt với nhiều thành tích vang dội trong thời gian trở lại đây. Nhưng mảng phát triển thiết bị phần cứng chưa bao giờ là thế mạnh của họ, ngoài những thành công thu được từ phiên bản đọc sách Kindle cổ điển đen trắng trong quá khứ. Sản phẩm tablet và smartphone ra mắt thất bại thảm hại. Một tia sáng lóe lên khi Echo – chiếc loa thông minh đầu tiên với nền tảng trí tuệ nhân tạo mang tên Alexa lên tiếng và trình làng công nghệ thế giới.
Tuy nhiên, với sự xuất hiện của một Google Home giá thành tiết kiệm hơn mà vẫn thừa hưởng tính năng đa dạng, mạnh mẽ của những phân mảng tích hợp sẵn đi kèm, đây quả thực là một lời tuyên chiến với Echo và mọi thiết bị chạy Alexa khác. Home được hỗ trợ với Google Assistant vốn đã không còn xa lạ về tiềm năng phát triển vượt trội được đánh giá cao hơn hẳn Alexa, và cũng dễ dàng tích hợp sâu hơn vào hệ sinh thái chung của Google. Amazon hiện thời vẫn đang tạm dẫn trước, nhưng nếu Google Home chứng tỏ được những gì mà nó có thể mang lại thì lại là cả một câu chuyện khác.
Microsoft
Microsoft giờ đây đã tạm thời bước chân ra khỏi cuộc đua thiết bị di động, nhưng vẫn còn đó ưu tiên phát triển hệ thống AI mạnh mẽ của mình với sự góp mặt của một đội ngũ chuyên gia kiệt xuất mà bất cứ công ty nào cũng phải mơ ước.
Nhưng cũng như những trường hợp kể trên, Google vẫn là cái tên có thể khiến cho gã khổng lồ xứ Redmond phải e dè. Cortana hứa hẹn là vậy nhưng xét cho cùng đang phải chịu một số nhược điểm không đáng có: Tích hợp sâu bên trong những sản phẩm Surface với chất lượng không cần phải bàn cãi nhiều, nhưng doanh số bán ra thì lại khá khiêm tốn, do đó công ty vẫn phụ thuộc phần lớn vào thị trường phân phối hệ điều hành và Office cho các thương hiệu khác. Cũng chưa thấy dấu hiệu gì của một chiếc loa thông minh mang logo Microsoft cả. Vì vậy, ở một khía cạnh nào đó, Google vẫn đáng được coi là đối thủ cần cân nhắc đối với Microsoft.
Facebook
Facebook tính tới thời điểm này thì chưa chính thức là một công ty chuyên sâu về mảng phần cứng. Nhưng dù sao họ cũng khiến cho Google nói chung và chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực phát triển phần cứng Regina Dugan của Google nói riêng phải đau đầu một chút khi đưa ra những cơ sở, động thái đầu tư có chủ đích.
Cũng giống như mọi công ty công nghệ khác, Facebook hiện đang gấp đôi nỗ lực dành cho hệ thống AI của mình ngay từ những bước đầu tiên. Tuy nhiên, bấy nhiêu đó có vẻ như vẫn khó đối chọi với một “OK Google” tiện ích thay vì phải tự mày mò thao tác sâu vào trong nền tảng bot thông minh của Facebook. Dù sao thì Oculus đến từ Facebook cũng đang ở thế “kẻ tám lạng, người nửa cân” với Daydream, tạo nên thế đối đầu gay cấn giữa hai ông lớn công nghệ của thế giới trong lĩnh vực thực tế ảo.
Kết luận
Cộng đồng công nghệ hiện nay vẫn chưa nhận thấy nhiều thay đổi khi Google đang từng bước tiến lên trở thành một công ty toàn diện về cả phần cứng và phần mềm. Nhưng vấn đề chỉ còn là thời gian mà thôi. Bằng việc tích hợp ưu điểm của phần mềm và AI vào một bộ khung được tự tay thiết kế và làm chủ, Google đang khiến cho mọi người phải hồi hộp chuẩn bị tinh thần cho những màn ra mắt sắp tới của mình. Và cuối cùng, dù vị thế cạnh tranh giữa các thương hiệu có đảo lộn thế nào đi chăng nữa thì chính khách hàng sẽ là những người được hưởng lợi nhiều nhất mà thôi.
Tham khảo: The Verge