Highlight

Những điều thú vị khi dùng Trí tuệ nhân tạo của Viettel

Những người dùng Internet tại Việt Nam thường lấy “chị Google” ra để… giải trí. Khi “chị” đọc văn bản hay chỉ đường cho người tham gia gi...

Monday, February 22, 2016

Vì sao người ta lo lắng về trí tuệ nhân tạo?


Bạn có lo ngại về trí tuệ nhân tạo hay không?

  1. 334 bình chọn
    65.2%
  2. Không

    118 bình chọn
    23.0%
  3. Sao cũng được, không quan tâm

    60 bình chọn
    11.7%

  1. Mấy nay trước trò tự động nhận dạng gương mặt chỉ xuất hiện trên phim, nay ngoài đời đã có. Mấy năm trước máy bay đều có người lái, nay thì drone đã xuất hiện với sự can thiệp rất nhiều từ máy tính và các hệ thống trí tuệ nhân tạo ( AI). Facebook đã có khả năng tự biết ai là ai mà gắn tag vào, Google Photos thì phân biệt được tấm ảnh của bạn chụp cái gì, vào lúc nào. Tất cả đều dẫn đến những mối lo ngại về việc AI bị sử dụng sai mục đích hoặc AI trở nên thông minh hơn con người, từ đó trỗi dậy chiếm lấy thế giới như trong phim Terminator.

    Người ta lo ngại gì về AI?

    Anthony Aguirre, đến từ tổ chức Future of Life Institute chuyên nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo và hạn chế tác hại với con người, đưa ra ví dụ: "Tưởng tượng bạn được giao nhiệm vụ giảm ùn tắc giao thông ở San Francisco bằng bất cứ giá nào. Nói cách khác, bạn không quan tâm đến những rào cảo khác, vậy bạn sẽ làm thế nào?" Nếu là người bình thường, bạn sẽ nói là điều chỉnh thời gian đèn tín hiệu cho hợp lý hơn, điều xe qua những con đường vắng hơn, cho thêm cảnh sát giao thông, bắt người dân đi đúng luật hơn...

    "Nhưng chẳng phải sẽ bớt kẹt xe hơn nếu bạn cấm hết tất cả xe vào trung tâm từ 5 đến 10 giờ sáng sao? Một biện pháp như thế này đi ngược lại với những suy nghĩ thông thường và chẳng giúp gì được cho mục đích mà hệ thống giao thông được sinh ra, nhưng nó vẫn đảm bảo mục tiêu 'giảm ùn tắc giao thông'". Ngay cả việc điều chỉnh lại luồng giao thông cũng có thể khiến người ta bị trễ hay gây ra tai nạn cơ mà.

    Cao hơn một nấc, người ta lo ngại khi trí tuệ nhân tạo được giao quyền vũ khí, điện nước, năng lượng... Cả Elon Musk và nhà khoa học nổi tiếng Stephen Hawking và nhiều chuyên gia khác đã lên tiếng kêu gọi bộ luật cấm AI điều khiển vũ khí hay sử dụng trong các hệ điều kiểm soát vũ khí.

    Có thể bạn sẽ nói rằng đưa AI vào kiểm soát vũ khí sẽ giúp hạn chế sát thương dân thường và binh lính trong vùng chiến sự, nhưng vấn đề là sự phát triển những loại trí tuệ nhân tạo đó sẽ tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu. Khi đó thì sự hủy diệt sẽ xảy ra, và nền kinh tế thế giới vốn đang khó khăn sẽ lại càng khó khăn hơn.

    Tri_tua_nhan_tao_de_doa_con_nguoi_3.

    Tất cả những thứ ở trên đều là giả định trong trường hợp AI tự phát triển theo hướng không thể kiểm soát được. Nhưng bên cạnh đó, còn một mối lo ngại thứ hai đó là con người sẽ dùng AI theo những cách xấu xa. Đây là mối quan ngại mà Frederick Maier và nhiều đồng nghiệp của ông tại Viện trí tuệ nhân tạo thuộc Đại học Georgia cùng chia sẻ. "Mối đe dọa thật sự của AI sẽ là bị sử dụng bởi con người theo cách không đáng tin tưởng hay có thể làm hại người khác".

    Google hiện đã xài trí tuệ nhân tạo cho Google Photos để nhận diện gương mặt. Với lượng khách hàng vào khoảng vài chục triệu người và đang tăng, lỡ bộ máy trí tuệ nhân tạo này bị lợi dụng cho mục đích xấu là truy tìm ra một người cụ thể nào đó trên thế giới thì sao. Facebook cũng xài kĩ thuật tương tự để tự gắn tag ảnh, lỡ có một ngày ai đó trong quân đội buộc Facebook xài kĩ thuật này để truy lùng người khác và đi làm hại họ thì điều gì sẽ xảy ra? Nhẹ hơn một tí, thuật toán đó có thể bị các nhà quảng cáo lợi dụng để học cách người dùng ăn mặc, về dáng đứng của họ rồi spam email quảng cáo trong khi người dùng không hề muốn.

    Google_Photos.

    NSA, cơ quan an ninh nội địa Mỹ, cũng đã bắt đầu phát triển một hệ thống nhận dạng thông qua hình ảnh từ camera giám sát. Nếu họ phát triển thành công công nghệ này (mà có khi đã thành công rồi cũng nên), vấn đề quyền riêng tư sẽ trở nên cực kì nhức nhối. Tờ Tech Times ví rằng nó giống như là một "bãi mìn" về quyền riêng tư và có thể phát nổ bất kì lúc nào.

    Quân sự hóa công nghệ

    Chẳng sai khi nói rằng những công nghệ hiện đại nhất thế giới hiện đang nằm trong tay quân đội các nước. Máy bay không người lái, bom hạt nhân, súng laser, súng nhiệt, radar tầm xa, máy quét nhìn xuyên tường... Những công nghệ này thường xuất phát từ những cuộc nghiên cứu, sau đó chúng được biến thành những công cụ quân sự hoặc trong một số trường hợp còn được phổ biến thành đồ gia dụng hay sản phẩm tiêu dùng. Internet, lò vi sóng là những ví dụ điển hình nhất cho chuyện này.

    Điều tương tự hoàn toàn có khả năng xảy ra với trí tuệ nhân tạo. Anh em xem phim Terminator thì đã quá rõ về T-1000, con robot có khả năng hủy diệt cao nhờ một bộ não nhân tạo, hay Skynet, cả một mạng lưới máy tính với trí tuệ và suy nghĩ vượt cả con người. Hay trong phim Eagle Eye, một hệ thống AI cùng tên đã sai khiến người khác hay điều máy bay không người lái đi bắn chết con người. Tất cả những thứ trong phim đó giờ đây hoàn toàn có khả năng bước ra thế giới thật nếu con người không cẩn trọng với những hành động của chính mình.

    Tri_tua_nhan_tao_de_doa_con_nguoi_4.

    Giả sử như bạn là một người bình thường, bạn phát minh ra cái gì đó hay ho nhưng lại bị người khác sử dụng với mục đích huỷ diệt hay sát thương thì bạn cần phản ứng như thế nào? Bạn có cần đưa ra cảnh báo nào hay không? Anh em nhà Wright Brothers đã phát minh ra máy bay và giờ thì bạn có thể thấy rõ người ta đang làm gì với máy bay rồi: bắn nhau, thả bom nhau, đe doạ nhau.

    Elon Musk và mong muốn dùng cộng đồng để kiểm soát trí tuệ nhân tạo

    Và rồi Elon Musk xuất hiện, người đang cố gắng trả lời những câu hỏi về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo sai mục đích.

    Musk đã là một trong những người đóng vai trò chủ chốt trong việc phát triển hàng loạt dự án ấn tượng như xe tự hành của Tesla, ống vận chuyển siêu nhanh Hyperloop, tên lửa có thể đáp trở lại mặt đất SpaceX, lưới năng luợng sạch cuả SolarCity. Và để thúc đẩy sự phát triển của xe điện, ông còn mở những bản quyền của Tesla ra cho các hàng làm xe khác cùng sử dụng. Và cũng chính Musk là người đấu tranh để giúp xe hơi có thể được bán thẳng tới tay người tiêu dùng, bỏ qua khâu trung gian bởi vì xe điện không cần sửa chữa nhiều, trong khi các công ty trung gian thì thường kiếm nhiều tiền từ khoản này.

    Và rồi mới đây Musk lại công bố một dự án mới nữa: OpenAI.

    elon-musk.

    Đây là một dự án về trí tuệ nhân tạo do Musk phối hợp với công ty Y Combinator làm ra. Ý định của họ đó là OpenAI sẽ đóng vai trò phát triển các kĩ thuật và sản phẩm trí tuệ nhân tạo, song đồng thời cũng đứng ra kiểm soát để trí tuệ nhân tạo không làm hại đến con người. Và như cái tên đã gợi ý, sản phẩm do OpenAI làm ra sẽ mở cửa cho mọi người sử dụng, tất nhiên là hoàn toàn miễn phí.

    Hiện tại Google và Facebook cũng đã mở nền tảng trí tuệ nhân tạo của mình ra cho thế giới dưới dạng mã nguồn mở. Tuy nhiên, Musk lại tỏ ra nghi ngờ về cam kết mở này. "Theo thời gian, chúng ta sẽ tiến gần hơn đến mức trí tuệ nhân tạo có thể vượt qua trí tuệ của con người. Khi đó thì sẽ nảy sinh câu hỏi rằng Google sẽ tiếp tục chia sẻ dự án của họ đến mức nào". Còn nếu có được một cơ chế mở ngay từ ban đầu thì Musk tin rằng mọi thứ sẽ được minh bạch, ngoài ra ông cũng hi vọng rằng việc dùng OpenAI cho mục đích tốt sẽ lấn át hẳn việc xài cho mục đích xấu.

    Nhưng có một thực tế là thế giới không chỉ có OpenAI. Nếu anh em nhà Wright không làm máy bay thì cũng sẽ có người khác. Và mặc dù Elon Musk cùng nhiều người khác đã ra sức cảnh báo về nguy hiểm của trí tuệ nhân tạo thì công nghệ này vẫn đang được phát triển bởi rất rất nhiều công ty, tổ chức khác trên khắp toàn cầu. Trí tuệ nhân tạo sẽ tiếp tục phát triển mà không phụ thuộc vào bất kì một cá nhân hay công ty nào cả. Và dường như chắc chắn sẽ có ai đó xài trí tuệ nhân tạo theo cách thiếu đạo đức.

    Sự minh bạch đi đôi với phát triển

    Hiện tại OpenAI đang có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu đến từ Đại học New York, Đại học Berkeley, Standford, Amsterdam, cùng nhiều cựu nhân viên Microsoft, Google. Một trong những lý do mà dự án thu hút được nhiều người giỏi như vậy là vì "họ thích sự thật là nó mở và có thể chia sẻ với nhiều người", Y Combinator cho hay. Ngoài ra, những người này cũng đã từng làm trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo nên họ có kinh nghiệm để bắt đầu.

    Nhóm này sẽ là những người chủ chốt quyết định số phận của OpenAI cũng như khai thác tiềm năng của nền tảng. Trong khi những công ty tư nhân thường phải giấu bí mật kinh doanh của mình thì với mô hình mã nguồn mở, OpenAI chả có gì để dấu cả. Nhờ vậy, các nhà nghiên cứu có thể dễ dàng hợp tác, trao đổi với những người khác bên ngoài dự án để học hỏi và cùng nhau xây dựng một sản phẩm tốt hơn. Những công ty cung cấp dịch vụ, phần mềm cũng rất hứng thú với OpenAI vì họ có thể dùng trí tuệ nhân tạo để nhận biết sớm xu hướng sắp trở nên phổ biến, từ đó đón đầu trước khách hàng.

    Hãy nhìn vào Linux, dự án mã nguồn mở nổi tiếng nhất và lớn nhất thế giới. Hiện tại Linux đang được sử dụng trên 98,8% siêu máy tính của thế giới, 36,72% web server (Tinh tế cũng xài) và 53,96% thiết bị di động (thông qua Android). Linux sẽ là ví dụ rõ nhất về một dự án nguồn mở có thể giữ được sự minh bạch của mình và đồng thời có tiềm năng phát triển mạnh mẽ.

    Vẫn còn chưa chắc chắn

    Quay trở lại với ví dụ về anh em nhà Wright. Orville Wright vẫn còn sống khi ông nhìn thấy tất cả những trận không chiến xảy ra trên thế giới, bao gồm luôn cả việc Mỹ dùng máy bay để thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Orville nói: "Tôi có cảm giác về máy bay cũng giống như cảm giác về lựa. Tôi lấy làm tiếc về tất cả những thiệt hại tồi tệ mà lửa đã gây ra cho con người, nhưng tôi cũng nghĩ rằng thật tốt khi con người biết được cách tạo ra lửa và đem nó vào hàng nghìn ứng dụng tốt khác".

    Dù cho đó có là lửa, là điện, là máy bay, là robot hay trí tuệ nhân tạo, tất cả đều sẽ luôn có 2 mặt tốt và xấu đi đôi với sự phát triển của con người. Chúng ta phải chấp nhận sự thật là người ta sẽ luôn dùng những công nghệ mà họ phát minh ra vào cả mục đích tốt lẫn mục đích làm hại nhau. Nó giống như là rủi ro phải chấp nhận để hướng tới cái có ích lớn hơn. Và với những người như Elon Musk, họ đang nỗ lực làm việc để giảm rủi ro đó xuống mức thấp nhất có thể.

    Tham khảo: Tech TimesThe BulletinAFRTechCrunch

No comments:

Post a Comment