Tại sự kiện Build 2016,
Microsoft mang đến tầm nhìn mới của tương lai khi con người sẽ tương tác
với các ứng dụng tự động (bot) để mua pizza, vé máy bay, đặt lịch hẹn
hò...
CEO Microsoft Satya Nadella cho rằng trí tuệ nhân tạo và hội thoại
tương tác sẽ là nền tảng lập trình kế tiếp. Nói cách khác, giới phát
triển sẽ tạo ra các phần mềm tự động (bot), hoạt động tương tự một trợ
lý ảo phục vụ con người. Bot hiểu ngôn ngữ tự nhiên, tự học và dần hoàn
thiện, trở nên thông minh hơn theo thời gian để nắm rõ thói quen, sở
thích... của người dùng ứng dụng.
Chẳng hạn, chuỗi cửa hàng Domino có thể tạo bot tương tác tự động với
nhiều khách hàng cùng lúc, hỗ trợ thực hiện các lệnh đặt mua pizza như
thể họ đang trò chuyện với nhân viên chăm sóc khách hàng ngoài đời thực.
Phần mềm tự động bot của Domino có thể trò chuyện với người dùng để hỗ trợ họ đặt mua pizza.
|
Một ví dụ khác là Skype Bots tích hợp trợ lý ảo Cortana. Cortana
sẽ kết nối với các bot khác để giúp người dùng tìm kiếm thông tin, sắp
xếp lịch trình, đặt khách sạn, mua sắm, tìm chuyến bay... dựa trên hoàn
cảnh thực tế.
Lilian Rincon, phụ trách Skype, đã trình diễn trên sân khấu về khả năng
của phần mềm tự động này. Rincon cần đặt khách sạn ở San Francisco (Mỹ)
vì bà sẽ tới đó tham gia sự kiện Build 2016. Trợ lý ảo Cortana biết
Rincon thích khách sạn Westin vì bà từng ở đó trước đây. Nó sẽ kết nối
với bot của Westin Hotel để thực hiện việc đặt phòng. Cortana cũng nhắc
Rincon rằng bà có một người bạn ở thành phố này và liệu bà có nên xếp
lịch gặp gỡ hay không.
Satya Nadella, CEO Microsoft tin rằng, trí tuệ nhân tạo và hội thoại tương tác sẽ là nền tảng của tương lai.
|
Satya Nadella cho biết Microsoft cũng đã xây dựng thư viện Bot
Framework cho các nhà phát triển, hỗ trợ họ tạo ứng dụng tích hợp bot
thời gian tới.
"Chúng ta đang ở biên giới nơi phải kết nối giữa sức mạnh của
ngôn ngữ tự nhiên với trí tuệ tiên tiến của máy móc. Chúng tôi gọi đây
là Hội thoại như một nền tảng (Conversations as a Platform), và CaaP
được xây dựng dựa trên sức mạnh của Azure, Office 365 và Windows, giúp
trao quyền cho các nhà phát triển ứng dụng", Nadella chia sẻ.
CEO này nhấn mạnh, Microsoft mong muốn phát triển công nghệ có
thể học hỏi những điều tốt đẹp nhất của con người, chứ không phải những
mặt xấu. Ông đề cập đến sự cố xảy ra tuần trước với phiên bản chatbot
thử nghiệm mang tên Tay.
Tay là chatbot tích hợp trí tuệ nhân tạo có khả năng trò chuyện với
người sử dụng Twitter thông qua tin nhắn riêng. Nó ra đời với mục đích
đem lại trải nghiệm vui vẻ khi tương tác với thanh niên trong độ tuổi 18
- 24 ở Mỹ. "Bạn càng trò chuyện với Tay, nó càng trở nên thông minh và gần gũi với bạn", Microsoft giới thiệu.
Tay đã bắt đầu hoạt động như một thiếu niên háo hức, nhưng rồi
tình hình nhanh chóng xấu đi khi nó bày tỏ sự ủng hộ phát xít, phủ nhận
cuộc diệt chủng người Do Thái, ghét người đòi bình đẳng giới... Tài
khoản Twitter của Tay đã bị Microsoft "xoá sổ" sau chưa đầy 24 giờ xuất
hiện. Trước đó, hãng này cũng tạo ra Xiaoice, trợ lý "bạn gái" có khả
năng trò chuyện vui vẻ và đưa ra tư vấn hẹn hò cho những người cô đơn ở
Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment