“Trí tuệ nhân tạo hiện đang là một điểm nóng”, Stephen Purpura, sở hữu công ty trí tuệ nhân tạo Context Relevant, nhận xét. Ông cho biết công ty ông đã huy động được hơn 44 triệu USD kể từ khi được thành lập vào năm 2012.
Theo tính toán của ông, hiện có hơn 170 công ty khởi nghiệp tham gia lĩnh vực trí tuệ nhân tạo vì họ tin rằng trí tuệ nhân tạo hứa hẹn mang đến một phương thức mới để con người có thể giao tiếp với máy tính và để máy tính có thể tiếp cận thế giới loài người theo những cách không ngờ tới.
Niềm tin vào “điều vĩ đại kế tiếp”
“Về mặt công nghệ, đó là cuộc chuyển giao từ việc đặt mệnh lệnh vào một “cái hộp” sang một thời điểm khi máy tính có thể nhìn bạn thao tác mà học theo”, Daniel Nadler, một trong những người đặt niềm tin vào trí tuệ nhân tạo, cho biết.
Công ty của ông, Kensho, gần đây đã huy động được 15 triệu USD để theo đuổi một mục tiêu đầy tham vọng: huấn luyện máy tính để có thể thay thế những lao động trí óc quá tốn kém như các chuyên gia phân tích tài chính.
“Chúng tôi không gọi những gì chúng tôi đang làm là trí tuệ nhân tạo mà gọi nó là “tự động hóa công việc tri thức sử dụng nhiều nhân lực”, ông nói.
Trong khi đó, Vicarious, một trong những công ty tham vọng nhất trong ngành này, gần đây đã huy động được 72 triệu USD, sau khi tuyên bố có thể giải được Captcha, một dạng kiểm tra kiểu hỏi đáp được các website sử dụng để xác định xem người dùng có phải là con người hay là máy tính mạo danh.
Sự hứng thú của các nhà đầu tư vào trí tuệ nhân tạo là lý do chính đưa trí tuệ nhân tạo trở thành một trong những xu hướng đầu tư nóng nhất trong hoạt động đầu tư vào các công ty khởi nghiệp.
Theo ông Nadler, mọi danh mục đầu tư mạo hiểm hiện đều cần có một khoản đầu tư vào trí tuệ nhân tạo, bởi tất cả những nhà đầu tư bỏ tiền vào các quỹ đầu tư mạo hiểm đều muốn nghĩ rằng họ có cổ phần trong cái gọi là “điều vĩ đại kế tiếp” của ngành công nghệ.
Các đợt rót vốn của nhà đầu tư vào các công ty như Kensho vẫn còn khiêm tốn, cho thấy giai đoạn sơ khai của hầu hết các công ty khởi nghiệp. Nhưng số lượng lớn các công ty khởi nghiệp huy động được vốn và sự góp mặt của nhiều nhà đầu tư đã cho thấy mức độ hứng thú cao đối với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Những nhà đầu tư quan tâm đến trí tuệ nhân tạo không chỉ có một số công ty đầu tư mạo hiểm hàng đầu ở Thung lũng Silicon như Khosla Ventures hay Greylock Partners, mà còn có các nhân vật có uy tín và tầm ảnh hưởng lớn trong giới công nghệ như Elon Musk (ông chủ của công ty hàng không vũ trụ tư nhân SpaceX) và Peter Thiel (nhà đầu tư mạo hiểm và là người đã đồng sáng lập ra PayPal).
Ủng hộ nhiệt tình cho trí tuệ nhân tạo còn có các công ty nhìn thấy được những công dụng mà họ có thể đem vào sử dụng cho lĩnh vực hoạt động của mình như ngân hàng Mỹ Goldman Sachs.
Dấu hỏi về khả năng sinh lời
Những công ty khởi nghiệp đổ xô vào lĩnh vực này sẽ đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt. Bởi lẽ, những bước tiến lớn nhất trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đang được triển khai bên trong những tập đoàn công nghệ lớn như Google, IBM và Facebook, vốn đã đầu tư rất lớn vào ngành này.
Các công ty này khá kín miệng về mức độ cam kết của họ đối với công nghệ trí tuệ nhân tạo, nhưng nhìn vào những dự án mà họ công bố, giới chuyên gia tin rằng các công ty này vẫn đang tiếp tục theo đuổi giấc mơ trí tuệ nhân tạo.
Google, chẳng hạn, đã tung ra một cuộc thử nghiệm nhận diện các chú mèo từ các đoạn video clip trên YouTube. Còn Facebook thì có một hệ thống gọi là Deep Face có thể nhận ra các bức ảnh người.
IBM thì có siêu máy tính Watson, từng đánh bại trí tuệ con người trong trò chơi truyền hình hỏi đáp nổi tiếng của Mỹ mang tên Jeopardy.
Tuy nhiên, các ông chủ khởi nghiệp như ông Tim Tuttle, nhà sáng lập Expect Labs, thì không chọn cách phát triển các công nghệ mới mà có xu hướng sử dụng công nghệ hiện có để phát triển các ứng dụng nhắm đến một số đối tượng cụ thể.
Expect Labs, chẳng hạn, phát triển một dịch vụ được kích hoạt bằng giọng nói mà các công ty có thể sử dụng để giúp khách hàng thực hiện những thao tác như tìm kiếm các catalogue trực tuyến một cách dễ dàng.
“Các công ty lớn đang tìm cách để xây dựng công nghệ có thể giải quyết mọi thứ, còn chúng tôi thì tìm cách giải quyết một vấn đề hoàn toàn khác”, ông nói.
Cơn sốt tăng lên đối với trí tuệ nhân tạo một phần lớn là nhờ sự ra đời của các kỹ thuật lập trình mới giúp tăng mức độ thông minh của máy móc. Một trong số đó là kỹ thuật đào tạo, huấn luyện máy tính để nó có thể nhận diện ra những mô-típ quen thuộc và đưa ra các phán đoán bằng cách thu thập và xử lý một khối lượng dữ liệu khổng lồ.
Nhưng giống như các ý tưởng mới cũng tràn trề triển vọng khác, một rủi ro của ngành trí tuệ nhân tạo là nhiều công ty bị thu hút vào lĩnh vực này sẽ thấy rất khó để phát triển các công dụng có thể mang lại lợi nhuận.
“Có nhiều nền tảng trí tuệ nhân tạo giống như các con dao đa năng của quân đội Thụy Sĩ. Chúng có thể làm rất nhiều thứ, nhưng không rõ những ứng dụng giá trị cao của chúng sẽ là gì.
Kết quả là tạo ra một tâm lý theo kiểu “miền Tây hoang dã” trong ngành trí tuệ nhân tạo, nghĩa là các ông chủ khởi nghiệp cứ đổ xô ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào tất cả mọi vấn đề máy tính mà họ có thể nghĩ ra”, ông Tuttle, Expect Labs, nhận xét.
Thế nhưng, các đại gia công nghệ như IBM thì không cho là như vậy. IBM đã nghiên cứu dự án Watson - hệ thống máy tính có khả năng nhận thức có thể đọc và xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ - từ hàng chục năm nay.
Và bà Virginia Rometty, Tổng Giám đốc IBM, tin rằng nó hoàn toàn có thể trở thành một lĩnh vực kinh doanh có khả năng sinh lời. Bà cũng từng tuyên bố sẽ đầu tư 1 tỉ USD vào việc nghiên cứu phát triển và thương mại hóa Watson.
Hiện tại, Watson đang được thử nghiệm ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có y tế. Tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering (New York, Mỹ), bác sĩ đang “dạy” siêu máy tính Watson có thể lọc nhanh dữ liệu từ nhiều ấn phẩm y khoa và từ khối lượng lớn dữ liệu bệnh nhân để giúp các chuyên gia y tế chọn ra phương pháp điều trị tốt nhất chữa căn bệnh ung thư. Rõ ràng, với sự phát triển của công nghệ, không có chuyện gì là không thể.
(Theo FT và Fortune)/NCĐT
No comments:
Post a Comment