Thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng, các bạn trẻ cần nhìn vào xu thế chung để đầu tư cho sự nghiệp (career) dài hạn chứ không phải công việc cụ thể (job).
- Cảm ơn Curiosity vì những bức ảnh không thể tuyệt vời hơn vừa được gửi về từ Sao Hỏa
- Động cơ "không tưởng" giúp đưa con người lên Sao Hỏa trong 70 ngày sắp được thử nghiệm lần đầu tiên
Ngày 27/9/2016, cả thế giới phấn khích khi Elon Musk (CEO SpaceX) công bố kế hoạch thám hiểm sao Hỏa với giá (chỉ có) 200.000 USD mỗi người. Tuy nhiên, ngoài mục tiêu đưa con người trở thành sinh vật “liên hành tinh” (multiplanet) và chuẩn bị phương án cho cho một sự tuyệt chủng tất yếu (eventual extinction) ở Trái đất, nhiều người tự hỏi chúng ta lên sao Hỏa để làm gì?
Trả lời câu hỏi này, ông Robert Zubrin, một kỹ sư hàng không vũ trụ & Chủ tịch Hội sao Hỏa (Mars Society), đã liên tưởng đến quá trình người châu Âu định cư ở Bắc Mỹ đầu thế kỷ 17.
Thay vì tìm được vàng như mục tiêu ban đầu, những người định cư châu Âu đầu tiên đến New England và Virginia đã xây dựng được một nền nông nghiệp ổn định & tiến bộ. Bắc Mỹ nhanh chóng trở thành nguồn cung cấp thực phẩm, lông thú, và sau đó là đường và nhiều loại hàng hóa xuất khẩu có giá trị lớn cho châu Âu và cả thế giới.
Một quá trình tương tự có thể lặp lại ở sao Hỏa.
NASA đã lên kế hoạch để khai thác thiên thạch (asteroid). Nhiều công ty tư nhân như Planetary Resources đã nhăm nhe để giành chỗ trong thị trường (có thể) trị giá hàng ngàn tỷ đô la này. Một khối thiên thạch rộng khoảng 30m chứa platinum có thể có giá đến 50 tỷ USD. Luxembourg đã đưa ra một chương trình hỗ trợ trị giá tới 200 triệu Euro dành cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực khai thác thiên thạch có trụ ở ở đất nước này. Và sao Hỏa, hành tinh nằm gần vành đai thiên thạch hơn nhiều so với Trái Đất, có thể được xem là một khu mỏ đầy hứa hẹn.
Đây mới chỉ là sự khởi đầu, ông Zubrin tin rằng “tiền đồn” sao Hỏa sẽ thu hút được các nhà đầu tư, thúc đẩy sáng tạo, và sau đó xuất khẩu ngược lại các bằng sáng chế cho Trái đất. Vai trò này của sao Hỏa sẽ giống như nước Mỹ trong suốt thế kỷ 19.
So với lần chinh phục mặt trăng cách đây gần 50 năm, chinh phục sao Hỏa sẽ diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn nhiều với sự có mặt của các nhà đầu tư mạo hiểm tư nhân, một số lớn từ Silicon Valley. So với các chính phủ hoạt động theo nhiệm kỳ, họ vượt trội cả về năng lực tài chính lẫn khẩu vị rủi ro.
Trong khi thị trường lao động sao Hỏa (có vẻ như) đang bắt đầu sôi động, thị trường lao động ở Trái đất, trong đó có Mỹ, lại đang bị thu hẹp do sự xuất ngày càng phổ biến & hiệu quả của trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo tính toán mới đây của Forrester, chỉ trong vòng 5 năm tới, người máy (robot & intelligent agents) sẽ cướp đi khoảng 6% số việc làm hiện tại ở Mỹ (tương đương 8.6 triệu hay toàn bộ lao động của bang Florida). Quá trình này sẽ bắt đầu với những công việc đơn giản như dịch vụ khách hàng, lái xe tải & taxi, sau đó mở rộng sang những ngành khác như nghiên cứu thị trường, xử lý dữ liệu, luật, và cả kỹ sư phần mềm nữa.
Trong số các kẻ cướp công việc này, ngoài những dây chuyền lắp ráp trong lĩnh vực sản xuất còn phải kể đến những phụ tá số (digital assistant) & robot trò chuyện (chat bot) như Alexa của Amazon, Siri của Apple, hay GoogleNow của Alphabet.
Các phụ tá này đã thông minh tới mức có thể “hiểu được nhu cầu & hành vi của người dùng & đưa ra quyết định thay cho họ” (theo báo cáo của Forrester).
Trong một nỗ lực tương tự với thị trường xe tự lái, Uber, Google và Tesla đang ráo riết cạnh tranh với nhau. Mới đây, ngày 15/09, Uber lần đầu tiên đã khai trương dịch vụ taxi tự lái của mình ở Pittsburgh.
Thế còn ở Việt Nam?
Nhìn lại sự phát triển kinh hoàng của Internet trong khoảng 10 năm gần đây ở Việt Nam có thể thấy đa phần các xu thế lớn của thế giới xuất hiện chỉ sau thời gian rất ngắn. Web 2.0, mobile thay thế máy để bàn, Facebook thay thế Yahoo 360, Viber, Line và sau đó là Facebook Messenger thay thế SMS, sự hưng thịnh và suy vong của mô hình Groupon, v.v… là những ví dụ tiêu biểu. Cứ sau mỗi làn sóng chúng ta lại chứng kiến một loạt công ty cắt giảm lao động hoặc phá sản và một loạt công ty khác gọi vốn thành công & mở rộng hoạt động.
Chúng tôi đã phỏng vấn anh Nguyễn Hoành Tiến (VP Operations, VNG) - một người đã làm việc nhiều năm ở Mỹ, châu Âu & cũng là cố vấn lâu năm cho nhiều tổ chức trẻ tiến bộ ở Việt Nam như USGuide, VietAbroader, Vòng tay bè bạn, Youth Camp, v.v… về lãnh đạo, quản trị, & xây dựng sự nghiệp.
Trong gần 20 năm làm việc, anh Tiến đã kinh qua nhiều làn sóng công nghệ như chuyển từ telecom sang web, chuyển từ phục vụ khách hàng doanh nghiệp (enterprise) sang khách hàng tiêu dùng cá nhân (consumer), chuyển từ web sang mobile, v.v…
PV: Anh có thể chia sẻ về xu thế việc làm trong thời gian sắp tới & lời khuyên của anh cho các bạn trẻ?
Nguyễn Hoành Tiến: Doanh nghiệp ở Việt Nam dù muốn hay không đang buộc phải thay đổi theo xu thế chung.
Tôi có 3 lời khuyên dành cho các bạn trẻ trong việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai của mình.
Đầu tiên, các bạn cần tỉnh táo trong thị trường lao động hỗn loạn & thay đổi chóng mặt. Các bạn cần nhìn vào xu thế lâu dài để đưa ra quyết định đúng về sự nghiệp (thay vì một công việc cụ thể).
Thứ hai, các bạn cần tham gia xu thế này đủ sớm. Xu thế mới thường ưu ái người mới với điều kiện người đó phải có tư duy khác biệt & dành thời gian học hỏi để liên tục nâng cao năng lực bản thân.
Cuối cùng, các bạn cần phải có phần trong cuộc chơi (have a stake in the game) – đảm bảo khi cam kết dài hạn với tổ chức thì bạn sẽ được tưởng thưởng xứng đáng với thành công của bạn.
Ngoài ra, tăng cường sức khỏe & năng lượng bản thân và đóng góp vào việc phát triển cộng đồng & môi trường ngay xung quanh các bạn cũng là cách đầu tư tốt, bền vững cho sự nghiệp.
Theo Trí Thức Trẻ/Cafebiz
No comments:
Post a Comment