Ít ai biết rằng, để theo đuổi đam mê với giáo dục và công nghệ, Văn Đinh Hồng Vũ từng 2 lần từ bỏ vị trí đáng mơ ước ở các tập đoàn hàng đầu thế giới.
- CEO GotIt! đoạt giải thưởng nhà sáng lập startup của năm tại Việt Nam
- Tìm ra startup đại diện Việt Nam tham dự giải thưởng khởi nghiệp Đông Nam Á
- Startup giáo dục của 2 cô gái Việt vào vòng chung kết cuộc thi có tỷ lệ "1 chọi 400"
Và cũng ít ai biết rằng, để theo đuổi đam mê, Văn Đinh Hồng Vũ từng 2 lần từ bỏ vị trí đáng mơ ước ở các tập đoàn hàng đầu thế giới. 3 năm tu nghiệp ở Đan Mạch, Vũ là người châu Á đầu tiên nắm giữ vị trí trợ lý Tổng Giám đốc của Maersk, tập đoàn vận tải và năng lượng có chi nhánh trải khắp 136 quốc gia với 89.000 nhân viên. Sau đó, Vũ lại bỏ ngang vị trí trưởng dự án cấp cao cho Booz & Company, 1 trong 4 tập đoàn tư vấn đứng đầu nước Mỹ. Không chút tiếc nuối, Vũ nói: “Tôi đã thu thập đủ kiến thức quản trị và nhân tài suốt 10 năm qua. Đã đến lúc tôi bắt đầu làm điều mình muốn trong lĩnh vực công nghệ và giáo dục”.
Dạy nói với công nghệ Elsa
ELSA (English Language Speech Assistant) gắn liền với kỷ niệm lần đầu Vũ dự hội thảo sinh viên tại Đức năm 2002. Trước lúc đến, Vũ chẳng mảy may nghi ngờ khả năng tiếng Anh của bản thân. Kỳ lạ thay, không ai ở Ấn Ðộ hiểu cô nói gì. “Ngay đêm đó, tôi đã gặp một người bạn Mỹ báo sẽ rút khỏi buổi thuyết trình sáng hôm sau. Chỉ có mình tôi đại diện Việt Nam, nói không ai hiểu thì thật xấu hổ...”, Vũ nhớ lại.
Nhưng người bạn không cho phép Vũ bỏ cuộc. Anh ngồi cùng cô suốt cả đêm chỉ để đọc đi đọc lại từng câu trên bài thuyết trình, để cô bắt chước cách nhấn nhá và phát âm từng chữ. Vũ có lại sự tự tin, nhưng cô vẫn không ngừng nghĩ về lỗ hổng trong giảng dạy phát âm kể từ đấy.
“Bạn không nhận ra phát âm quan trọng đến nhường nào đâu, cho đến khi sống và làm việc ở nước ngoài”, Vũ giải thích. Gần 10 năm sống xa nhà, cô chứng kiến rất nhiều du học sinh giỏi không thể leo lên vị trí lãnh đạo trong các tập đoàn, chỉ vì cách phát âm không giống người bản xứ. Rắc rối tưởng như rất nhỏ đó lại là cản trở lớn trong ngoại giao và thăng tiến, đặc biệt trong những nghề đòi hỏi kỹ năng giao tiếp cao như tư vấn hay luật sư.
Hồng Vũ tại cuộc thi SXSWedu
“Về phần công nghệ, ELSA được lập trình để mô phỏng cách dạy của các chuyên gia dạy nói hàng đầu nước Mỹ”, Vũ nói thêm. ELSA có đội ngũ kỹ sư và chuyên gia để thiết kế công nghệ nhận diện giọng nói hiện đại nhất ở Mỹ. Nhờ đó, ELSA không chỉ nhận diện chính xác các phát âm sai của người đọc mà còn giúp họ cải thiện từng âm sau khi luyện tập. Ngay sau vài ngày đầu phát động chiến dịch dùng thử sản phẩm, 1.000 người đăng ký dùng thử đã chen kín danh sách và hàng ngàn người đang xếp hàng chờ.
Đầu tư sâu để thay đổi cuộc đời
Trước khi dấn thân khởi nghiệp với ELSA, Văn Đinh Hồng Vũ đã là một nhà hoạt động xã hội rất tích cực. Quỹ Vietseeds của Vũ tuy bắt đầu hoạt động từ năm 2011, nhưng ý tưởng đã xuất hiện từ năm 2008 trên bài luận của cô ở khóa học Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học Stanford. Từ những chuyến đi hội thảo trong quá khứ, cô nghiệm ra rằng tiền có thể giúp người một thời gian ngắn, nhưng giáo dục có thể thay đổi đời một người. Vì thế, bài luận ấy là bản kế hoạch chi tiết kết hợp cả đồng tiền và giáo dục vào lĩnh vực từ thiện.
Về cơ bản, Vietseeds quyên tiền để hỗ trợ học sinh nghèo ở Việt Nam vào đại học. Không dừng lại ở việc quyên góp, Vũ nâng mô hình này lên thành vườn ươm lãnh đạo tương lai. “Ngoài suất 1.000 USD/năm cho học hành và ăn ở suốt 4 năm đại học, các em còn được mạnh thường quân và tình nguyện viên tổ chức các khóa huấn luyện thêm kỹ năng mềm như soạn thảo văn bản, làm việc nhóm, ngoại ngữ, định hướng nghề... để các em xóa hết mặc cảm, tự tin đi đầu khi làm việc ở thành phố”, cô cho biết.
Tính đến hiện tại, Vietseeds đã quyên góp một số tiền khá lớn từ 100 nhà tài trợ trong và ngoài nước. Nhưng suất học bổng thì vẫn giữ nguyên giá trị như ngày đầu là 1.000 USD/năm. Vì vậy, năm 2014, chỉ có 100 em được hỗ trợ. Thẳng thắn và kiên quyết, Vũ giải thích: “Đúng là tôi có thể chia 1.000 USD ra cho 5 em thay vì 1 em. Nhưng số tiền bị chia nhỏ đó tuy giúp được nhiều em hơn, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn. Tôi nguyện đầu tư sâu để thay đổi hẳn cuộc đời mỗi em”.
Sau 5 năm hoạt động, 10 em đầu tiên tốt nghiệp đại học từ hỗ trợ của Vietseeds đã được nhận vào làm ở các vị trí mơ ước, một em đã hoàn tất học Thạc sĩ tại Mỹ. Toàn bộ số tiền quyên góp được chuyển đến học sinh, còn chi phí vận hành và mở các lớp huấn luyện kỹ năng phần lớn đều đến từ 2 nhà sáng lập là Văn Đinh Hồng Vũ và Vũ Duy Thức, Tiến sĩ ngành Công nghệ Thông tin ở Đại học Stanford.
Từ “Đại sứ” đến “Nhà hoạt động xã hội - khởi nghiệp” thoạt nhìn như 2 con đường khác hẳn nhau. Nhưng với Vũ, cả 2 đều thuộc một hành trình liền mạch. “Ngày trước và bây giờ tôi đều muốn làm một điều gì đó cho quê nhà. Để góp nhiều hơn một tiếng nói thời trẻ, tôi mới chuyển sang làm kinh tế và xã hội trong giáo dục. Bằng cách này, tôi sẽ đóng góp vào giáo dục nhiều giá trị thực tiễn hơn”, cô nói.
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư
No comments:
Post a Comment