Nhà vật lý học nổi tiếng Stephen Hawking từng
cảnh báo: Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo có thể báo hiệu sự diệt
vong của nhân loại. Nhiều nhà khoa học khác cũng chia sẻ quan điểm trên
khi chứng kiến AlphaGo thắng áp đảo Lee Sedol. Tuy nhiên, đó là câu
chuyện của tương lai và còn phục thuộc vào mục đích sử dụng AI của chúng
ta. Còn trong hiện tại, chúng ta hãy xem AI đã làm được những gì và trí
tuệ nhân tạo lợi hại đến đâu?
AlphaGo đánh bại kỳ thủ cờ vây giỏi nhất thế giới
Sau 5 ván đấu, trí tuệ nhân tạo của AlphaGo đã giành chiến thắng với
tỷ số 4-1 trước kỳ thủ cờ vua nổi tiếng nhất thế giới người Hàn Quốc Lee
Sedol trong một thập kỷ qua. Chiến thắng của AlphaGo đánh dấu mốc mới
trong sự tiến bộ của công nghệ trí tuệ nhân tạo sau sự kiện máy tính
Deep Blue của IBM đánh bại nhà vô địch cờ vua thế giới Garry Kasparov
năm 1997.
AlphaGo nằm trong dự án trí tuệ nhân tạo do nhóm nghiên cứu DeepMind
thuộc Google phát triển. Thuật toán của AlphaGo sẽ phân tích các phương
án dựa trên xác suất kết hợp cùng các bộ quy tắc nhằm giúp AI này có thể
đưa ra nước đi đúng đắn. AlphaGo sở hữu thiết kế mô phỏng hoạt động não
người với khả năng phân tích bài học từ những sai lầm để đưa ra phương
án tốt hơn trong các lần chơi tiếp theo. Nhưng AlphaGo ra đời không phải
để chơi game.
Ông Demis Hassabis - Giám đốc điều hành dự án Google Deepmind - cho
biết: "Thuật toán mà Deepmind phát triển nhằm phục vụ nhu cầu đại chúng.
Deepmind kỳ vọng sẽ sử dụng thuật toán này cho lĩnh vực chăm sóc sức
khỏe hay nghiên cứu khoa học". Tuy nhiên, trước mắt, AI của Google sẽ
thực hiện chức năng trợ lý ảo trên smartphone. Trong trung hạn, đó có
thể là những hệ thống chuẩn đoán bệnh, dự đoán thời tiết và thiên tai.
Còn trong dài hạn, ông Hassabis đặt mục tiêu sử dụng những hệ thống máy
tính siêu thông minh để giúp con người tạo ra bước đột phá trong nghiên
cứu khoa học, điều mà bình thường sẽ mất hàng thế kỷ nhưng có thể được
rút ngắn chỉ còn vài năm với trí thông minh nhân tạo.
Viết tiểu thuyết, suýt giành giải thưởng văn học
Sau kỳ tích của AlphaGo, nhiều người tỏ ra lo ngại về việc AI có thể
thay thế con người trong nhiều công việc. Nhưng trong danh sách công
việc mà con người sẽ bị trí tuệ nhân tạo thay thế, ít người nghĩ đến
lĩnh vực văn học. Vì thế, việc trí tuệ nhân tạo do Nhật Bản phát triển
trở thành đồng tác giả của tiểu thuyết văn học, thậm chí còn vượt qua
vòng loại của giải thưởng văn học quốc gia khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Dù không thể giành giải thưởng cao nhất, nhưng điều mà trí tuệ nhân tạo
này làm được không thua kém AlphaGo. Đó là khả năng trí tuệ nhân tạo có
thể sáng tác những tác phẩm văn học ấn tượng hơn trong tương lai.
Cuốn tiểu thuyết được viết bởi AI có tên The Day A Computer Writes A Novel/Ngày mà chiếc máy tính tự viết một cuốn tiểu thuyết.
Hitoshi Matsubara cùng nhóm nghiên cứu tại Đại học Hakodate đã lựa chọn
sẵn các từ và câu, sau đó lập trình cho AI cách để viết chúng thành
những đoạn văn hoàn chỉnh và một câu chuyện có ý nghĩa.
Do thể lệ cuộc thi văn học Nikkei Hoshi Shinichi quy định các tác phẩm
sẽ được chấm điểm trong khi không được tiết lộ thông tin của tác giả,
nên ngay cả giám khảo cũng không biết cuốn tiểu thuyết này do trí tuệ
nhân tạo viết ra chứ không phải con người. Nhà văn Satoshi Hase, một
trong những giám khảo của cuộc thi tâm sự: “Tôi thực sự ngạc nhiên
vì đây là cuốn tiểu thuyết có cấu trúc khá tốt. Tiếc là còn một số chỗ
chưa được ổn như việc miêu tả nhân vật khiến cuốn tiểu thuyết này không
thể giành giải thưởng”.
Sáng tạo mà đặc biệt là trong lĩnh vực nghệ thuật tưởng như quá sức
với hệ thống máy tính được lập trình sẵn. Nó thuộc về sự cảm nhận và cảm
xúc của con người, sau đó mới thể hiện ra qua các tác phẩm văn học hoặc
tranh vẽ. Vì thế, khi AI có khả năng sáng tác tiểu thuyết được xem là
dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo,
không thua kém sự kiện AlphaGo chiến thắng kỳ thủ cờ vây đẳng 9. Điều đó
khiến cho chúng ta khó có thể dự đoán trí tuệ nhân tạo sẽ còn làm được
những gì trong tương lai.
Chống lại ung thư
Xác định ung thư bằng mẫu máu là xét nghiệm đầy thử thách. Nếu dùng
các kỹ thuật quan sát cấu trúc tế bào, thì sẽ mất thời gian và đôi khi
các bác sĩ sẽ ngộ nhận cả tế bào dị dạng khỏe mạnh là ung thư. Để khắc
phục hạn chế này, các nhà nghiên cứu đến từ Đại học California (Hoa Kỳ)
đã phát triển thành công kỹ thuật chẩn đoán ung thư mới bằng việc kết
hợp một kính hiển vi đặc biệt và một thuật toán trí tuệ nhân tạo. Nhờ
đó, việc chẩn đoán được thực hiện nhanh hơn, tốn ít năng lượng và chính
xác hơn.
Kỹ thuật mới sử dụng kính hiển vi quang tử có khả năng chụp ảnh hàng
trăm nghìn tế bào mỗi giây. Tất cả hình ảnh này sẽ được đưa vào máy
tính. Chương trình sẽ phân loại 16 tính chất khác nhau của tế bào như:
đường kính, hình dạng viền, bao nhiêu ánh sáng chúng hấp thụ... Sau khi
phân tích cơ sở hình ảnh nhất định, các nhà nghiên cứu đào tạo một
chương trình máy tính với kỹ thuật “học sâu” (Deep learning), giúp nó có
thể nhận diện tế bào ung thư với độ chính xác lên đến 95%.
Hệ thống chẩn đoán kết hợp trí tuệ nhân tạo này chính xác hơn 17% so
với phương pháp hiện hành, cho phép chẩn đoán ung thư nhanh và sớm hơn,
dựa trên đặc tính vật lý của tế bào. Không chỉ có vậy, trí tuệ nhân tạo
trải qua “học sâu” cũng có thể giúp chúng ta hiểu hơn về các gen ung
thư, tạo thuận lợi cho quá trình điều trị bệnh.
Đoán được khủng hoảng tài chính?
Các cuộc khủng hoảng tài chính thường xảy ra với những dấu hiệu cảnh
báo sớm. Thế nhưng, các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách thường
xuyên bỏ qua những tín hiệu cảnh báo đó. Vậy, phải chăng máy tính có thể
thấy những thứ con người không thể?
Trong nghiên cứu mới, hai nhà khoa học máy tính Samuel Rönnqvist và
Peter Sarlin đã nghiên cứu về hiệu quả của các thuật toán về học sâu
(deep learning). Các thuật toán này tương tự thuật toán AlphaGo đã dùng
để đánh bại nhà vô địch cờ vây thế giới Lee Sedol, hoạt động theo nghiên
tắc phân tích dữ liệu và tự học cách nhận diện cấu trúc.
Sử dụng cơ sở dữ liệu gồm 6,6 triệu bài báo tài chính trong giai đoạn
2007-2014, thuật toán trên đã dự đoán chính xác các cuộc khủng hoảng
ngân hàng và các tác nhân gây ra chúng. Thậm chí, thuật toán trên còn
nhận diện được những cuộc khủng hoảng nằm ngoài phạm vi dữ liệu được
cung cấp. Điều này cho thấy máy tính có thể nhận diện được những cấu
trúc tinh vi nhất mà con người không thể thấy.
Như vậy, con người sẽ có thêm công
cụ để đối phó với sự khó lường của thế giới tài chính bằng cách tập
trung nguồn lực vào phát triển những thuật toán mạnh mẽ nhất. Các phần
mềm máy tính có thể giúp các nhà đầu tư tìm được cơ hội kiếm lời, giúp
các nhà hoạch định chính sách phát hiện các nguy cơ tiềm tàng trong hệ
thống tài chính.
Đoán chính xác người chiến thắng trong cuộc thi âm nhạc
Đó là dấu ấn mà trí tuệ nhân tạo của Alibaba tạo được trong lần ra mắt ở Chương trình thực tế nổi tiếng của Trung Quốc có tên I'm a Singer.
Dựa trên các phân tích từ các phương tiện truyền, những bài hát phổ
biến, khả năng/tầm ảnh hưởng của ca sĩ và nhiều yếu tố khác, AI của
Alibaba đã dự đoán chính xác kết quả của vòng chung kết trong chương
trình nói trên.
AI của Alibaba hoạt động tương tự phương pháp phân tích được
sử dụng trong quá khứ nhằm dự đoán các rối loạn chính trị,
sự thay đổi của thị trường chứng khoán và các vấn đề khác
dựa trên các cuộc trò chuyện trên Twitter. Phương pháp sử dụng
AI để phân tích mạng xã hội không phải là hướng đi mới. Tuy
nhiên, bằng cách bổ sung nghiên cứu về bình chọn và thảo luận
trực tuyến, AI của Alibaba có thể cho ra kết quả chính xác. Theo
Alibaba, công nghệ của hãng có thể đánh giá độ cao và năng
lượng của giọng hát kết hợp chúng với các yếu tố như khả
năng chọn bài hát và phản ứng của khán giả theo từng phút.
Công nghệ này được Alibaba đặt tên là Ai và sẽ được bộ phận
điện toán đám mây của hãng phát triển. Trong tương lai, Ai sẽ
được ứng dụng trong việc dự đoán xu hướng hoặc trợ lý ảo.
No comments:
Post a Comment